Niels Ryberg Finsen

Niels Ryberg Finsen

Họ và tên Niels Ryberg Finsen
Ngày sinh 15/2/1860
Ngày mất 24/9/1904
Quốc tịch Đan Mạch
Lĩnh vực chuyên môn Y học
Giải thưởng đã đạt được Giải thưởng Nobel Sinh lý học hoặc Y học (1903)
Giải thưởng Cameron về Liệu pháp điều trị của Đại học Edinburgh (1904)

Niels Ryberg Finsen là một bác sĩ người Đan Mạch và là người sáng lập ra liệu pháp ánh sáng hiện đại (sử dụng ánh sáng để điều trị bệnh). Ông được trao Giải Nobel Sinh lý học hoặc Y học năm 1903 nhờ những đóng góp trong việc ứng dụng ánh sáng để điều trị các bệnh về da.

Niels Ryberg Finsen sinh ra ngày 15 tháng 12 năm 1860 trong một gia đình Iceland danh tiếng, có vai trò trong việc cai quản quần đảo Faroe. Ông theo học tại các trường ở Đan Mạch và Iceland trước khi vào đến Copenhagen để học y khoa vào năm 1882. Cũng tại thời điểm này, Finsen mắc bệnh Pick (một bệnh gây thoái hóa thần kinh) khiến sức khỏe của ông bắt đầu suy giảm trầm trọng. Nhưng chính căn bệnh này đã kích thích sự quan tâm của ông đến tác dụng của liệu pháp ánh sáng trên da. Dù vậy, ông vẫn hoàn thành kỳ thi cuối cấp vào năm 1890 và trở thành trợ giảng tại Đại học Copenhagen. Ba năm sau, ông từ bỏ công việc này để có thể dành nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục dạy kèm sinh viên y khoa, nhờ đó có được một khoản thu nhập khiêm tốn để sinh sống.

NỖ LỰC VƯỢT LÊN TRÊN BỆNH TẬT

Phát hiện làm thay đổi nền y học thế giới

Năm 1887, Finsen đọc được bài báo của Downes và Bunt khẳng định rằng ánh sáng, đặc biệt là tia cực tím (UV), có thể có đặc tính diệt khuẩn. Cũng trong khoảng thời gian này, Maximilian Mehl – một viên quan cảnh sát Berlin, đã thử nghiệm một số liệu pháp điều trị bằng ánh sáng, nhưng lại không được cộng đồng y học để ý. Được truyền cảm hứng từ những sự kiện trên, Finsen bắt đầu xác định cách thức thực hiện điều trị bằng ánh sáng. Ông tin rằng những tác dụng tích cực của liệu pháp ánh sáng bắt nguồn từ đặc tính diệt khuẩn của nó.

Sau những thử nghiệm ban đầu với ánh sáng tự nhiên, Finsen quyết định thiết kế một nguồn ánh sáng nhân tạo để sử dụng trong điều trị. Ông đã phát triển một loại đèn trong đó ánh sáng nhân tạo mạnh được tạo ra bởi các hồ quang carbon điện, sau này được gọi là đèn Finsen. Kính thông thường được sử dụng ban đầu cho các thấu kính. Sau đó, những thấu kính này được thay thế bằng thạch anh nóng chảy, cho phép tách ánh sáng và tạo ra tia UV. Những cải tiến tiếp theo đối với đèn giúp tăng cường hiệu quả của nó. Đồng thời, việc sử dụng ánh sáng phân tán giúp giảm nguy cơ gây bỏng da.

Năm 1893, Finsen nhận thấy ánh sáng có tác dụng đối với sẹo do căn bệnh đậu mùa. Ông cũng tự thử nghiệm trên mình để xác định mức độ tiếp xúc với ánh sáng. Hai năm sau, Finsen bắt đầu hợp tác với Công ty Điện Ánh sáng Copenhagen và bắt đầu các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của họ. Thật trùng hợp, Niels Mogensen – một trong những kỹ sư của công ty, mắc bệnh lao da với các tổn thương nghiêm trọng và đau đớn trên mặt. Ông đã thử các phương pháp điều trị khác nhau, từ thuốc đến phẫu thuật, nhưng đều vô ích. Do vậy, Mogensen trở thành bệnh nhân đầu tiên của Finsen. Chỉ sau 4 ngày điều trị bằng đèn Finsen, tình trạng của ông đã cải thiện đáng kể. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của liệu pháp ánh sáng trong da liễu học.

Những thành công đầu tiên

Năm 1896, với sự giúp đỡ của thị trưởng Copenhagen, Viện Ánh sáng Y khoa được thành lập và Finsen được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên. Số lượng bệnh nhân dần dần tăng lên. Vào ngày 12 tháng 8 năm 1896, hai bệnh nhân đầu tiên bắt đầu điều trị và con số nhanh chóng tăng lên 15. Đến năm 1898, nhờ những khoản đóng góp hào phóng, Viện đã mở rộng đáng kể. Số lượng thiết bị chiếu sáng tăng lên và hình dạng của thấu kính được cải thiện.

Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh về lao da bằng đèn Finsen (nguồn: shablool.cz)

Trong những năm đầu, cả ánh sáng tự nhiên và nhân tạo đều được sử dụng để điều trị nhưng về sau, chỉ có đèn Finsen được sử dụng. Những thay đổi này giúp số lượng bệnh nhân được điều trị ngày tăng. Trong khoảng thời gian từ 1886 đến 1901, 804 bệnh nhân được điều trị bệnh lao da, trong đó tỷ lệ chữa khỏi lên tới 83%, và chỉ có 6% không có hiệu quả. Vì những vết sẹo do lao da để lại trên mặt thường vô cùng đáng sợ, nên việc điều trị thành công không chỉ giúp bệnh nhân khỏi bệnh mà còn giúp họ tránh được sự mặc cảm.

Năm 1901, Viện Ánh sáng Y khoa đổi tên thành Viện Finsen vào năm. Chỉ trong vài năm, 40 Viện Finsen đã được thành lập ở châu u và Hoa Kỳ, tạo nên cuộc cách mạng trong điều trị bệnh lao da. Nghiên cứu của Finsen đã mang lại cho ông danh hiệu giáo sư tại Đại học Copenhagen vào năm 1898.

Thành tựu

Các bài báo đầu tiên về liệu pháp ánh sáng được xuất bản trên tạp chí của Bệnh viện Copenhagen. Đặc biệt, bài viết về điều trị bệnh lao da bằng ánh sáng đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Finsen cũng nghiên cứu những tác hại của bức xạ mặt trời lên các mô. Ông nhận thấy rằng sắc tố của da dưới ánh nắng mặt trời ngăn ngừa tổn thương ở các vùng da sâu hơn. Các ấn phẩm của ông nhanh chóng được dịch sang nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Đức và tiếng Pháp, giúp phổ biến phương pháp của ông trên toàn thế giới.

Liệu pháp ánh sáng và bản thân Finsen nhanh chóng được công nhận trên toàn thế giới, và các trung tâm y tế khác cũng sớm noi theo. Ông trở thành thành viên danh dự của một số hội khoa học và nhận được nhiều huy chương, giải thưởng của nhà nước và trường đại học, trong số đó có giải thưởng từ Đại học Edinburgh. Việc điều trị bệnh lao da bằng đèn Finsen được tiếp tục trong nhiều thập kỷ, cho đến kỷ nguyên của kháng sinh trong y học.

Năm 1903, Finsen được trao Giải Nobel Y học vì những đóng góp của ông trong việc điều trị các bệnh về da, đặc biệt là bệnh lao da bằng phương pháp sử dụng tia sáng. Lúc này, sức khỏe của ông vô cùng yếu nên ông đã ở nhà trên xe lăn, nhận lời chúc mừng từ bạn bè và gia đình.

ỨNG DỤNG LIỆU PHÁP ÁNH SÁNG TRONG Y HỌC HIỆN ĐẠI

Các căn bệnh về da

Viêm da dị ứng

Quang trị liệu được coi là một trong những liệu pháp đơn trị liệu tốt nhất cho bệnh viêm da dị ứng khi áp dụng cho bệnh nhân không có tác dụng với phương pháp điều trị truyền thống. Liệu pháp này cung cấp một loạt các lựa chọn: UVA1 cho viêm da dị ứng cấp, NB-UVB cho viêm da dị ứng mãn tính, và balneo phototherapy đã chứng minh hiệu quả trong thời gian qua. Bệnh nhân dung nạp liệu pháp một cách an toàn nhưng cũng như trong bất kỳ liệu pháp nào đều có những tác dụng bất lợi và nên cẩn thận khi áp dụng, đặc biệt là đối với trẻ em.

Bệnh vẩy nến

Đối với bệnh vẩy nến, quang trị liệu UVB đã được chứng minh là có hiệu quả. Một đặc điểm của bệnh vẩy nến là viêm cục bộ trung gian bởi hệ miễn dịch. Bức xạ tia cực tím được biết đến để ngăn chặn hệ thống miễn dịch và giảm đáp ứng viêm. Liệu pháp ánh sáng cho các bệnh về da như bệnh vẩy nến thường sử dụng NB-UVB (bước sóng 311 nm) mặc dù nó có thể sử dụng tia UV-A (bước sóng 315-400 nm) hoặc tia UV-B (280-315 nm). UV-A kết hợp với psoralen (một loại thuốc uống), được gọi là điều trị PUVA. Trong phương pháp trị liệu bằng tia UVB, thời gian phơi nhiễm rất ngắn, vài giây tùy thuộc vào cường độ của đèn và độ sắc tố da của người và độ nhạy. Thời gian được điều khiển bằng bộ hẹn giờ tắt đèn sau khi thời gian điều trị kết thúc.

Các vấn đề liên quan đến tinh thần và giấc ngủ

Trầm cảm theo mùa

Hiệu quả của liệu pháp ánh sáng để điều trị trầm cảm theo mùa có thể liên quan đến thực tế rằng liệu pháp ánh sáng sẽ bù đắp việc thiếu ánh sáng mặt trời và đặt lại đồng hồ sinh học bên trong cơ thể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng liệu pháp ánh sáng giúp làm giảm các hành vi suy nhược và suy trầm cảm, như buồn ngủ và mệt mỏi quá mức, với kết quả kéo dài ít nhất 1 tháng. Liệu pháp ánh sáng được ưa thích hơn thuốc chống trầm cảm trong điều trị trầm cảm theo mùa vì nó là liệu pháp tương đối an toàn và dễ dàng.

Phản ứng tích cực của liệu pháp ánh sáng cho chữa trầm cảm theo mùa có thể phụ thuộc vào mùa. Liệu pháp buổi sáng đã mang lại kết quả tốt nhất vì ánh sáng vào buổi sáng sớm giúp điều chỉnh nhịp độ hằng ngày.

Một nghiên cứu có hệ thống năm 2007 của Cơ quan Thụy Điển SBU đã tìm thấy đủ bằng chứng cho thấy liệu pháp ánh sáng làm giảm triệu chứng trầm cảm hoặc trầm cảm theo mùa. Báo cáo khuyến nghị rằng: “Khoảng 100 người tham gia được yêu cầu phải xác định rằng liệu pháp có hiệu quả hơn một cách vừa phải so với giả dược”. Mặc dù điều trị ở các phòng trị liệu bằng ánh sáng đã được thiết lập tốt ở Thụy Điển, nhưng không có nghiên cứu có kiểm soát thỏa đáng về vấn đề này. Điều này dẫn đến việc đóng một số phòng khám trị liệu bằng ánh sáng tại Thụy Điển.

Rối loạn nhịp độ giấc ngủ hằng ngày mãn tính

Trong việc quản lý các rối loạn nhịp độ hằng ngày như rối loạn giai đoạn giấc ngủ đến trễ, thời gian phơi nhiễm ánh sáng là rất quan trọng. Quản lý việc tiếp xúc ánh sáng với mắt trước hoặc sau khi thiên để của nhịp độ nhiệt cơ thể có thể ảnh hưởng đến đáp tuyến pha (phase response curve). Sử dụng khi đánh thức cũng có hiệu quả đối với rối loạn thức-ngủ không-24 giờ. Việc sử dụng vào chiều tối được khuyến cáo cho những người có rối loạn giai đoạn giấc ngủ đến sớm. Một số, nhưng không phải tất cả, những người mù hoàn toàn có võng mạc đều nguyên vẹn, có thể có lợi từ liệu pháp ánh sáng.

CUỘC SỐNG CÁ NHÂN VÀ NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI

Năm 1892, Finsen kết hôn với Ingeborg Baslev. Họ có bốn người con. Người con trai thứ hai đã nối nghiệp cha trở thành bác sĩ. Sau đó, con gái ông cũng kết hôn với một bác sĩ da liễu thuộc viện Finsen và cháu trai của ông cũng trở thành bác sĩ da liễu.

Finsen có mối quan hệ khăng khít với người anh trai Olaf, thị trưởng của Tórshavn. Thư từ cá nhân của họ được bảo quản tốt. Ngoài ra, các đồng nghiệp của Finsen mô tả ông là một người rất thân thiện và đáng tin cậy. Ông luôn chăm sóc bệnh nhân tận tình, trong quá trình điều trị luôn quan tâm đến cả vị trí xã hội và kinh tế của họ.

Tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi thúc đẩy ông tìm kiếm phương pháp điều trị cho căn bệnh của mình. Khi bệnh tình tiến triển, Finsen rất ít xuất hiện trước công chúng. Tại các hội nghị và đại hội, các phát hiện của ông được trình bày bởi các đồng nghiệp từ Viện.

Những năm cuối đời, Finsen sống trên xe lăn, sức khỏe rất yếu. Tuy nhiên, căn bệnh không ảnh hưởng đến trí tuệ của ông, vì vậy ông vẫn tiếp tục nghiên cứu cho đến cuối đời. Ông qua đời vào ngày 24 tháng 9 năm 1904, tại Copenhagen. Lễ tang của ông được tổ chức theo nghi thức Hoàng gia, với sự tham dự của nhiều người để bày tỏ lòng kính trọng cuối cùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

The Nopel Prize

Britannica

Wikipedia

ScienceDirect