Nền kinh tế toàn cầu đang đô thị hóa, khi sức ảnh hưởng kinh tế đang dần chuyển dịch sang phương Đông.

Hiện tại, 600 thành phố tạo ra gần 60% sản lượng kinh tế của thế giới – những con số dự kiến sẽ không đổi trong thập kỷ tới, mặc dù sự pha trộn địa lý của các khu vực đô thị cốt lõi này sẽ thay đổi đáng kể. Chỉ một thập kỷ trước, khoảng một nửa tổng sản lượng kinh tế toàn cầu được tạo ra bởi ít hơn 400 thành phố. Tất cả các thành phố này đều có các nền kinh tế tiên tiến và phần nhiều trong số đó nằm ở Bắc Mỹ. Điều này được dự báo sẽ thay đổi đáng kể, khi sức mạnh kinh tế chuyển sang châu Á và các khu vực thị trường mới nổi khác. Hơn một nửa trong hàng chục các “siêu đô thị” hiện nay, hay những thành phố có hơn 10 triệu dân, đều nằm ở châu Á và hơn một nửa trong số đó là ở Trung Quốc.

Nền kinh tế đô thị là nền tảng kinh tế của một thành phố, hoặc sự pha trộn của các chức năng kinh tế tạo ra giá trị và việc làm. Các chức năng này liên tục được chuyển đổi; mặc dù tốc độ có thể thay đổi, tùy thuộc vào các yếu tố nhân khẩu hoặc di cư, chính sách tài khóa địa phương và khu vực, chu kỳ kinh doanh và nỗ lực phát triển khu vực.

Ở châu Á, nơi mà di sản do “nhà nước phát triển” (nơi sự phát triển kinh tế do chính phủ kiểm soát và định hướng chỉ đạo) để lại vẫn còn hiện hữu, các thành phố lớn như Seoul đã nỗ lực chuyển đổi cơ sở kinh tế của họ bằng cách chuyển dịch sản xuất quy mô lớn sang các khu vực bên ngoài, đồng thời chuyển đổi phát triển nền kinh tế dịch vụ. Chiến lược này đã được thực hiện trong nhiều năm ở Hồng Kông, và đang dần được thực hiện ở Bắc Kinh. Trong khi các chính sách có thể thay đổi định hướng của các thành phố nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nền công nghiệp tăng trưởng thì khu vực đô thị cũng đồng thời trải qua quá trình tái cơ cấu do thoái vốn và sự di cư của lao động có tay nghề cao – rất nhiều lao động đang chạy theo xu hướng này.

Ví dụ, ở Bắc Mỹ và Châu Âu, có rất nhiều thành phố đang bị thu hẹp do cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội bị phân rã. Dù suy giảm hay phát triển, các thành phố cần cân bằng giữa mong muốn tạo nên một nền văn hóa sôi động và thừa nhận các yếu tố có thể khiến đô thị trở thành nơi bất bình đẳng gia tăng.

Trong quá trình thực hiện các quy trình đổi mới và số hóa được áp dụng để chuyển đổi các mô hình kinh doanh và tạo ra giá trị kinh tế, các thành phố cần đồng thời áp dụng các chính sách xã hội và chính sách hòa nhập có khả năng hỗ trợ lao động tay nghề kém hoặc mất việc làm tìm cơ hội trong các ngành nghề mở rộng, và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cần thiết đối với các hộ gia đình nhằm duy trì cuộc sống với tiền lương ít ỏi.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới