Những vấn đề gây nhức nhối đối với khu vực đô thị thường là các vấn đề lâu dài và phải được giải quyết một cách chủ động.
Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima gây ra bởi thảm họa kép năm 2011 ở Nhật Bản đã buộc Chính phủ nước này phải giải quyết những thiếu sót về luật pháp mang tính hệ thống và bất cập về công nghệ trong lĩnh vực hạt nhân. Các khu vực đô thị có thể trở nên vững mạnh hơn hậu thảm họa, nhưng đó không hẳn là cách lý tưởng để tăng cường khả năng thích ứng. Khả năng thích ứng là một thước đo đánh giá mức độ chịu đựng của cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ trước những cú sốc tạm thời và lâu dài, đồng thời là mục tiêu quan trọng cho các nhà quy hoạch đô thị ở mọi nơi.
Bộ chỉ số đô thị thích ứng với Biến đối khi hậu (CRI) do Quỹ Rockerfeller tài trợ cung cấp hàng chục chỉ số mà các thành phố có thể sử dụng để đo lường khả năng thích ứng với thảm họa, bao gồm nhà ở an toàn tích hợp giá cả hợp lý và hệ thống vệ sinh môi trường hiệu quả. Bộ chỉ số này đã được thử nghiệm tại các thành phố như Hồng Kông và Liverpool. Trong khi đó, Chương trình Đô thị Thích ứng BĐKH của Ngân hàng Thế giới được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án khả thi có thể tăng cường khả năng thích ứng.
Trong thực tế và cả trên lý thuyết, khả năng thích ứng của khu vực đô thị không chỉ đơn thuần là việc quản lý các thách thức đô thị như thiếu hụt việc làm, bất cập trong hệ thống giao thông, thiếu hụt nhà ở và xung đột xã hội theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Thay vào đó, khả năng thích ứng nên tập trung vào việc chủ động dự đoán và chuẩn bị cho các rủi ro tiềm tàng. Tuy nhiên, thường thì chỉ sau khi xảy ra thảm họa thì chính quyền các thành phố mới nghiêm túc thực hiện các thay đổi trên toàn hệ thống.
Sự khác biệt giữa cú sốc tạm thời và căng thẳng lâu dài ảnh hưởng đến các khu vực đô thị đôi khi không rõ ràng. Ví dụ, các biến động xã hội tưởng chừng xảy ra một cách bất ngờ lại thường tích lũy từ những căng thẳng tiềm ẩn lâu dài, chẳng hạn như cuộc bạo loạn ở Indonesia năm 1998 có căn nguyên từ nhiều vấn đề mang tính hệ thống và kéo dài ở các trung tâm đô thị như thất nghiệp lan rộng, lương thực thiếu thốn, chi phí sinh hoạt leo thang cùng với một xã hội ngày càng phân hóa giai cấp và dân tộc.
Xây dựng khả năng thích ứng là một quá trình khó khăn, đòi hỏi quản trị tốt và một lượng vốn đầu tư đáng kể. Ở nhiều thành phố, khả năng thích ứng bị cản trở bởi địa lý. Jakarta đang ngày càng dễ bị lũ lụt vì 40% diện tích đất liền của thành phố này nằm dưới mực nước biển và thường phát triển quá mức. Các mối đe dọa khác đối với khả năng thích ứng bao gồm dịch bệnh (như bệnh SARS vào đầu những năm 2000 đã giết chết hàng trăm người ở châu Á) và cả các thảm họa thiên nhiên đi kèm với cơ sở hạ tầng và dịch vụ yếu kém (như cơn bão Katrina ở Mỹ năm 2005 đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng).
Khi xã hội đô thị dần số hóa và kết nối mạng nhiều hơn, mất an ninh mạng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng thích ứng. Một minh chứng là vào năm 2016, Uber thừa nhận rằng 57 triệu người dùng tại Vương quốc Anh đã bị ảnh hưởng do vi phạm dữ liệu.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới