Các thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn trong quá trình cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản.

Ước tính có hơn 700 triệu cư dân đô thị không được tiếp cận với nước máy và hơn một phần tư cư dân đô thị trên thế giới phải sống trong các khu định cư không chính thống thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản nhất. Riêng châu Á dự kiến sẽ cần 1,7 nghìn tỷ đô la mỗi năm cho đầu tư cơ sở hạ tầng đến năm 2030 để giải quyết các nhu cầu cơ sở hạ tầng mới và cũ.

Khu vực đô thị đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản để có thể tồn tại, ví dụ như nước máy, hệ thống vệ sinh, lưới điện, đường xá, hệ thống giao thông công cộng, nhà ở, bệnh viện và trường học.

Đặc biệt ở các nước đang phát triển, các thành phố phải đối mặt với thách thức đáng kể trong việc cung cấp và duy trì các cơ sở hạ tầng và dịch vụ này. Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng là điều cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, vì nó có thể tạo ra việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống và tăng cường mức độ bền vững của khu vực đô thị. Thiết lập cơ sở hạ tầng và dịch vụ vững chắc cũng là yếu tố cần thiết để tăng cường khả năng thích ứng trước những thách thức như biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao. Hiện nay, sức chứa của cơ sở hạ tầng đô thị thường bị áp đảo bởi các hiệu ứng xếp tầng của quá trình đô thị hóa, giãn nở đô thị và thay đổi nhân khẩu nhanh chóng.

Việc quản trị đô thị yếu kém và hạn chế về vốn có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề này. Do đó, một số thành phố từ Úc và Trung Quốc và cả từ Châu Âu đến Bắc Mỹ đã bắt đầu định hướng lại về tương lai của khu vực đô thị. Các khái niệm mới về các hình thái đô thị bền vững bao gồm “thành phố nhỏ gọn”, với mật độ dân cư cao và hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, và “thành phố sinh thái” được thiết kế đặc biệt để hạn chế lượng khí thải carbon. Một số nơi đã có thể khai thác công nghệ và khối phi chính phủ để giải quyết các vấn đề mà họ phải đối mặt. Ví dụ như doanh nghiệp xã hội Úc Pollination Energy đã cung cấp các sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời bao gồm bộ lọc nước và bếp nấu sạch trong khu ổ chuột ở Ấn Độ.

Sáu năm sau khi thành lập, doanh nghiệp này đã cung cấp hàng chục ngàn sản phẩm cho hơn 20.000 gia đình. Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, từ khi được thành lập vào năm 2016, đã tài trợ cho hàng chục dự án cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 4 tỷ đô la ở các nước đang phát triển. Những dự án này bao gồm một tuyến tàu công cộng ở Bangalore, nâng cấp khu ổ chuột ở Indonesia và một dự án cơ sở hạ tầng băng thông rộng ở Oman. Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình và sẽ tài trợ trên quy mô lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở nhiều thành phố, như đường cao tốc, cảng và hệ thống công nghệ thông tin, nhằm tăng cường quan hệ với các nước khác ở châu Á và xa hơn nữa.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới