Nhiều thành phố thực hiện tốt hơn các thành phố khác trong việc thúc đẩy sự tham gia tích cực của công dân.

Quản trị đô thị hiệu quả là khái niệm được định hình bởi bối cảnh kinh tế và chính trị. Vào những năm 1990, việc tư nhân hóa các nguồn lực công cộng như điện và nước xảy ra thường xuyên khi các nhà hoạch định chính sách áp dụng mô hình kinh tế thịnh hành của một thời đại mà người ta tin rằng việc quản lý đô thị sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu các thực thể tư nhân được nắm một phần quyền quản lý. Trong khi đó, ở một số nước, sự chuyển đổi theo hướng phân quyền quản trị đô thị chịu ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng chính trị thịnh hành (đáng chú ý nhất là ở Đông Nam Á, nơi nhiều nền kinh tế trước đó từng lệ thuộc nặng nề vào mô hình quản trị tập trung tại khu vực đô thị).

Quản trị đô thị, hay việc quản lý đô thị chặt chẽ – bao gồm việc duy trì khu vực đô thị hoạt động liên tục và quy hoạch phục vụ sự phát triển trong tương lai của khu vực đô thị, có thể liên quan đến nhiều thực thể. Chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và cư dân đô thị đều có thể đóng một vai trò trong đó. Quản trị đô thị tốt thường được thực hiện bởi các thị trưởng năng động và có tầm nhìn, và đó là một phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đô thị như nghèo đói, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Theo Chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat), quản trị đô thị tốt có nghĩa là cải thiện chất lượng sống chung ở các thành phố, đặc biệt chất lượng cuộc sống của nhóm người dễ bị tổn thương. Chỉ số Quản trị Đô thị của Chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc được tạo lập để giúp các thành phố giám sát và nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm và tính toàn diện của việc quản trị. Khả năng huy động vốn của các thành phố đang dần dần trở thành một biểu hiện của việc quản trị đô thị tốt. Kết hợp điều này với quản trị tốt và sự tham gia tích cực từ công dân có thể giúp khu vực đô thị vượt qua nhiều thách thức nghiêm trọng.

Một ví dụ là thành phố Seoul (Hàn Quốc), thành phố thắng Giải thưởng Thành phố Thế giới Lee Kuan Yew năm 2018 (một giải thưởng được trao tại Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố Thế giới hai năm một lần). Đặc biệt, Seoul được công nhận về quy trình tiếp cận từ dưới lên, được đưa vào hoạt động hàng ngày của thành phố theo Dự án Quản trị Cộng đồng, một sáng kiến giúp người dân nêu ra các vấn đề ở ngay địa phương có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng của họ. Người dân Seoul được thực sự kiểm soát 5% ngân sách của thành phố theo Hệ thống Ngân sách có sự tham gia của Cộng đồng. Thông qua các giải pháp này, Seoul đã tạo dựng niềm tin với người dân và thuyết phục người dân  rằng sự tham gia của người dân không chỉ mang tính tượng trưng mà là một phần cần thiết để góp phần xây dựng Seoul trở thành nơi tốt đẹp hơn cho mọi người.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới