Đừng vội tin mọi nghiên cứu
Người theo dõi thông tin khoa học về dịch bệnh COVID-19 ắt hoang mang không ngớt vì các kết quả nghiên cứu cứ chỏi nhau dù công bố chỉ cách nhau vài ngày.
Ví dụ, một nghiên cứu đăng trên tờ New England Journal of Medicine khảo sát 1.000 bệnh nhân ở Trung Quốc cho thấy người nghiện thuốc lá nhiễm bệnh thì cần can thiệp y tế nhiều hơn người nhiễm không nghiện. Họ còn có con số cụ thể: trong số những người bệnh phải vào phòng chăm sóc đặc biệt, 12,3% người có hút thuốc tử vong so với 4,7% người không hút tử vong.
“Đá” nhau loạn xạ
Nay lại có nghiên cứu cho rằng hút thuốc lá có thể… giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19! Nghiên cứu này cho rằng chất nicotine trong thuốc lá có thể ngăn ngừa nCoV xâm nhập tế bào nên giảm thiểu nguy cơ lây lan.
Tờ The Guardian trích dẫn nghiên cứu này, được thực hiện ở một bệnh viện của Pháp, cho biết trong 350 bệnh nhân COVID-19 nặng phải nhập viện, chỉ có 4,4% là người hút thuốc lá thường xuyên, tức tỉ lệ người hút thuốc lá nhiễm bệnh thấp hơn nhiều so với người không hút.
Người thận trọng có thể chỉ ra sự khác biệt, nghiên cứu ở dưới nói chất nicotine, còn nghiên cứu ở trên nói về tình trạng phổi của người hút thuốc, nên có thể hai kết luận này không chỏi nhau. Nhưng với người bình thường đọc hai tin này mà không hoang mang mới là chuyện lạ.
Loại nghiên cứu chỏi nhau như thế rất nhiều. Trước, các nhà khoa học nói ai uống thuốc huyết áp dễ bị lây nhiễm COVID-19 hơn; sau, các nhà khoa học khác lại khẳng định không hề có chuyện thuốc huyết áp làm tăng rủi ro lây nhiễm.
Một nghiên cứu ở Đức nói trẻ em bị COVID-19 cũng lây nhiễm cho người khác y như người lớn. Một nghiên cứu ở Thụy Điển lại nói trẻ dưới 10 tuổi ít bị mắc bệnh, nếu có mắc thì cũng không lây nhiễm cho người khác nên cứ cho ông bà ôm cháu. Vậy là ông bà ở hai nước sẽ có hai cách chơi với cháu rất khác nhau.
Sau khi có một số ý kiến cho rằng virus corona sẽ bớt hoành hành vào mùa hè vì thời tiết nóng sẽ trói tay nó, nhiều nghiên cứu lại nói “chưa có bằng chứng gì” cho thấy virus giảm hoạt động khi trời nắng nóng. Thậm chí có hẳn nghiên cứu nói ở nhiệt độ 37oC, virus corona sống khỏe trong vòng ít nhất là 2 giờ, ở 67oC thì phải 1 giờ sau mới “bất hoạt”! Thế mà nghiên cứu mới nhất của Mỹ lại nói ở nhiệt độ 21-24oC thì virus chỉ tồn tại được trong vòng 2 phút.
Chính nghiên cứu này mới khiến Tổng thống Donald Trump hỏi chuyên gia vì sao không nghĩ đến chuyện “chiếu sáng” hay “đưa chất tẩy rửa” vào trong cơ thể bệnh nhân, một gợi ý dẫn tới tranh cãi ầm ĩ trên báo chí Mỹ.
Đương nhiên làm nghiên cứu khoa học thì phải luôn đón nhận cái mới, dù cái mới chỏi cái cũ; chứ nếu một nghiên cứu ra đời mà ai cũng tin ngay vào nó, không ai tìm hiểu thêm thì còn gì là khoa học.
Chính vì thế mà các nhà nghiên cứu Pháp đã thử dán miếng dán nicotine cho bệnh nhân COVID-19 và các nhân viên y tế để xem chất nicotine có trong thuốc lá có giúp tạo rào chắn chống lại virus corona không. Các nghiên cứu khi đưa ra một kết luận mới thường rất thận trọng rào trước đón sau kỹ lưỡng.
Cái làm nên sự hoang mang bối rối chủ yếu là do người bình thường hay báo chí khai thác những nghiên cứu này. Văn phong báo chí khác với lối viết chặt chẽ của nghiên cứu khoa học, báo chí cố gắng tìm chi tiết đập vào mắt người đọc, gây tò mò và chú ý để tô đậm ngay từ đầu bản tin. Thế mới sinh chuyện.
Chẳng hạn, ngay sau khi báo chí đưa tin về nghiên cứu của Thụy Điển nói trẻ em dưới 10 tuổi không lây bệnh cho người khác, nhóm tác giả hoảng hồn lên tiếng đính chính, nói mọi người hiểu nhầm kết luận. Họ chỉ nói: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ em ít bị lây nhiễm, lây nhiễm thì bệnh nhẹ, và hiếm khi chịu trách nhiệm cho việc lây lan bệnh trong gia đình”.
Các nhà khoa học Anh cũng phải “nói lại cho rõ”, nhấn mạnh rằng họ trích dẫn một khảo sát của Trung Quốc làm chung với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó tất cả những người được khảo sát nói chưa thấy ca nào bệnh nhân dưới 10 tuổi lây cho người lớn. “Chưa thấy” chứ không phải là “không có”, nên rút tít như báo chí là gây hiểu nhầm rất tai hại.
Chuyện thường tình trong khoa học?
Tờ The New York Times nhận định mâu thuẫn dường như là điều bất biến duy nhất trong cơn đại dịch này. Như một loại thuốc được cho là có nhiều triển vọng cứu người hóa ra làm bệnh nặng thêm; xét nghiệm nhanh tưởng sẽ giúp chấm dứt giãn cách xã hội nhưng kết quả xét nghiệm nhanh còn quá nhiều sai sót; một nơi có thể được xem là mẫu mực chống dịch thì chỉ vài tuần sau lại bùng phát rất nhiều ca bệnh mới…
Thế nhưng, cũng The New York Times nói rằng chu kỳ tin tức trái ngược nhau như thế lại là điều hay. Bởi càng nhiều nghiên cứu kiểm tra cho nhau như thế, người ta càng dễ tiến gần đến sự thật hơn.
Lịch sử y học cho thấy nghịch lý càng cấp bách càng phải kiên nhẫn, một thành công thường để lại đằng sau nó biết bao sai sót. Ví dụ phải mất ba năm sau khi phát hiện bệnh AIDS thì mới có một xét nghiệm có độ chính xác cao để tìm ra HIV.
Phải mất một thập kỷ trải qua nhiều xét nghiệm không chính xác mới đạt được một xét nghiệm chuẩn cho bệnh viêm gan siêu vi C. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc trị bệnh cảm cúm thông thường mà chỉ trị triệu chứng. Và còn rất nhiều điều tương tự trong y khoa, vốn là một khoa học cực kỳ phức tạp.
Làm sao để các nghiên cứu sơ khởi, loại nghiên cứu chưa dẫn tới thành công mang tính khẳng định, không tác động xấu đến tâm lý người dân, gây ra sự hoang mang, bối rối không cần thiết? Rất khó yêu cầu người viết báo không khai thác các nghiên cứu khi chưa hiểu hết về nó. Có chăng là các nghiên cứu nên nhấn mạnh những điều cần cảnh báo ngay từ đầu để bất kỳ ai khai thác nó đều phải dè chừng.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là những nhà nghiên cứu phải lường trước sự đón nhận của công chúng để dùng cách diễn đạt thật sự khách quan, không bị suy diễn. Ở khía cạnh này, cách nói của WHO – “không có bằng chứng cho thấy…” – là cách nói có thể đúng vào lúc phát biểu nhưng dễ gây hiểu nhầm, bị diễn dịch sai, và rơi vào thế “việt vị”.
Vào đầu trận dịch COVID-19, WHO nói “không có bằng chứng gì cho thấy virus corona lây từ người sang người”. Có thể lúc đó họ nói đúng vì chưa thấy ca lây nhiễm nào như thế, nhưng việc cứ khẳng định một điều chưa biết đã làm nhiều người, nhiều nước chủ quan, lơ là và coi thường dịch bệnh. Chỉ một tháng sau, WHO đã nhận ra họ sai như thế nào.
Gần đây nhất, WHO lại đưa ra một tuyên bố có vẻ… chắc nịch: “Hiện chưa có bằng chứng cho thấy người hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 và có kháng thể là được bảo vệ khỏi tái nhiễm”. WHO có thể lập luận, tuyên bố như vậy để mọi người khỏi chủ quan, đòi cấp “hộ chiếu COVID-19” cho những ai đã dương tính nhưng rồi khỏi bệnh để mở cửa lại mọi hoạt động kinh tế, cho người đã nhiễm nay lành bệnh đi làm lại…
Thế nhưng, WHO không thấy một tuyên bố như vậy cũng dập tắt mọi hi vọng vào vaccine, bởi tiêm vaccine mà cũng nhiễm bệnh lần thứ nhì thì tiêm làm gì! Nó cũng dập tắt mọi nỗ lực xét nghiệm nhanh trong cộng đồng để tìm ra tỉ lệ lây nhiễm thật sự. Nó làm đảo lộn nhiều tính toán của chính phủ các nước khi cân nhắc thời gian mở cửa lại nền kinh tế.
Chẳng thà WHO cứ nói thẳng, hiện nhiều xét nghiệm kháng thể là không chính xác nên dương tính chưa chắc đồng nghĩa với việc cơ thể có kháng thể; hoặc nói rõ, những trường hợp dương tính lại là chưa rõ nguyên nhân, có thể do xác virus còn tồn tại hay do xét nghiệm không chính xác, hay do virus hoạt động trở lại.
Tức với một tình huống chưa rõ, cần tìm hiểu thêm từ nhiều góc cạnh, không nên khẳng định theo kiểu “chưa có bằng chứng” vì kiểu nói đó đã sai trong một số trường hợp. Sau đó bác sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu nỗ lực chống dịch của Mỹ, đã phải nói bệnh nhân đã lành thì hi hữu lắm mới không có kháng thể và cũng hi hữu lắm kháng thể mới không giúp tạo ra sự miễn dịch trong một thời gian nhất định. ■
Ở mức khái quát hơn, người ta đặt vấn đề với vai trò của các tạp chí nghiên cứu khoa học. Liệu các bài báo trên đó có nên là nơi phân định đúng sai của dữ kiện hay chỉ là nơi khơi gợi các ý tưởng mới? Liệu đấy là nơi lưu trữ mọi sự kiện lịch sử hay chỉ là nơi tiên đoán tương lai qua phân tích? Các tạp chí chuyên ngành có nên là kênh trao đổi thông tin của riêng giới khoa học, hay còn là loa phóng thanh để giới khoa học tiếp cận công chúng?
Richard Horton, tổng biên tập tạp chí The Lancet nổi tiếng của Anh, nói việc xuất bản hằng ngày các nghiên cứu về đại dịch là rất căng thẳng và đầy trách nhiệm, vì nếu quyết định sai nội dung được xuất bản có thể sẽ gây ra tác động nguy hiểm lên lộ trình của đại dịch. Người bình thường như chúng ta thì biết nói gì về vai trò của các tạp chí nghiên cứu. Chỉ biết tự nhủ: à, họ đang băn khoăn như thế, biết vậy nên chúng ta đừng vội tin sái cổ các kết quả được công bố liên tục thì sẽ tốt hơn. |