Cuộc chiến bên trong chúng ta
Đại dịch Covid-19 là một cuộc chiến tranh thực sự. Một cuộc chiến tranh ở mức báo động cao nhất, cần sự hợp lực có trách nhiệm của các cá nhân không chỉ trong một cộng đồng, một thành phố, một quốc gia, mà còn ở phạm vi toàn cầu. Cách thế hợp lực đó là: hãy cách xa nhau ra trong các cuộc phong tỏa, trong các lệnh giới nghiêm.
Một cuộc chiến tranh khốc liệt không phải với không kích, chạy đua vũ trang, cấm vận và những trận khẩu chiến ngoại giao thường thấy trên truyền hình, mà là cuộc chiến sâu trong hệ miễn dịch loài người. Giặc của chúng ta được xác định: có hình chiếc vương miện, kích thước khoảng 120nm, mắt thường không thấy được!
Đại dịch, virus và một lịch sử tang thương
Bức tranh tả cảnh những người chết bên đường ở London trong trận đại dịch năm 1665. Nguồn: Getty image.
Những người chép sử thế giới thuộc thế hệ sau có lẽ sẽ mô tả về cuộc chiến của nhân loại đầu thế kỷ XXI với kẻ thù virus không phải bằng những ngôn từ có tính sử thi mà bằng một sự kinh ngạc vượt ngoài tưởng tượng của thời đại được cho là văn minh.
Còn ngay lúc này, trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, người ta có thể theo dõi, nắm bắt con số người tử vong, số case thoát khỏi lưỡi hái tử thần và nắm bắt hành trình riêng tư của người phơi nhiễm trong cộng đồng mình sống với sự cập nhật nhanh nhất, đến từng giây từng phút, bỏ qua mọi quyền riêng tư. Những bãi chiến trường là các bệnh viện, nơi con người phải khoác những bộ đồ bảo hộ, bịt kín toàn thân như hình ảnh các phi hành gia bước xuống hành tinh lạ, đề phòng kẻ thù “vô hình” xâm nhập và sao chép, nhân bản.
Viễn tượng về một thế giới toàn cầu hóa với sự phát triển của công nghệ thông tin và sự thịnh vượng chung được xây dựng bằng biết bao nỗ lực và kỳ vọng đã nhanh chóng bị kéo màn trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Tâm chấn dịch bệnh từ Vũ Hán đã cháy lan sang Rome, Paris, New York, Berlin… chỉ mất chưa đến một tháng. Theo các đường bay và nương vào tập tính di chuyển của con người hiện đại, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một mạng lưới chết chóc khắp trên toàn cầu.
Trước mắt chúng ta là quanh cảnh các tòa nhà, khu phố, cửa hiệu phù hoa buộc đóng cửa trong những đô thị giới nghiêm. Con người tự nhốt mình trong những căn nhà trong những thành phố cách ly, giữa những quốc gia cách ly.
Trong đại dịch Cái Chết Đen vào giữa thế kỷ XIV, trực khuẩn yersinia pestis gây ra bệnh dịch hạch đã phải mất đến hàng tháng để theo chân các nhà buôn và binh lính từ các hải cảng từ Trung Quốc sang châu Âu, và cũng với thời gian tương tự, nếu lộ trình di chuyển của những con lạc đà và ngựa trên con đường tơ lụa từ các thảo nguyên Mông Cổ, băng qua Trung Đông rồi đến các thành phố ở Địa Trung Hải, phát tán bóng mây chết chóc, thảm sát chừng 2/3 dân số châu Âu.
Thử nhìn lại lịch sử bệnh lao. Con trực khuẩn Koch đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy trong một xác ướp Ai Cập thời cổ đại. Đây là một trong bảy loại dịch bệnh có sức hủy diệt cao nhất tại châu Âu. Trong lịch sử oanh tạc của mình, Cái Chết Trắng đã lấy đi mạng sống của nhiều thiên tài, từ Honoré de Balzac, Fréderic Chopin, Molière cho đến Franz Kafka… Bệnh lao trong quá khứ, dù lây lan chậm chạp, nhưng cũng đã tạo ra Cái Chết Trắng; là một trong bảy bệnh truyền nhiễm mà người châu Âu và các xứ hàn đới sợ hãi khi nhắc đến. Nhưng đó là thời quá trình “toàn cầu hóa” diễn ra ở quy mô thô sơ cái chết từ những đại dịch đến chầm chậm.
Trận đại dịch hạch hoành hành ở vùng Địa Trung Hải vào thế kỷ thứ 5 tạo ra những trang sử tang tóc cho Constantinope, khiến vương triều Justinian đang thịnh vượng bỗng chốc lung lay. Cái Chết Đen cũng làm thay đổi cấu trúc xã hội, chính trị châu Âu; đưa nhân loại bước ra khỏi hệ hình xã hội Trung cổ. Những trang sử ám ảnh đó gần như tạm khép lại trong thời hiện đại, khi những tiến bộ từ cuộc cách mạng y khoa hướng vào thế giới vi sinh mà Pasteur là ngọn cờ đầu, theo đó là cuộc triển khai phương pháp phát hiện, phân lập virus, điều chế vaccine phòng bệnh, dẫn đến việc trong hơn một thế kỷ qua, những tiến bộ vượt bậc đến từ phòng thí nghiệm đã cứu vãn nhân loại tránh những tổn thất trong cuộc chiến với thế giới vi sinh. Có thể kể đến, Koch với bệnh lao, tả, bệnh than, Erberth với sốt thương hàn, Yersin với dịch hạch, từ Shiga với kiết lị, Bordet & Gengou với ho gà, Waichselbaum với viêm màng não, Klebs và Loffler với bạch hầu hay Nicholaier với phong đòn gánh và uốn ván… đã làm cho con người hiện đại củng cố niềm tin rằng mình có thể chế ngự những kẻ thù mắt thường không thấy được. Hiểu nôm na, việc tiêm vào cơ thể nguồn virus đã được khống chế “độc lực” cùng hoạt năng, làm kích hoạt hệ thống miễn dịch theo “phương pháp Pasteur” được hiểu là thúc đẩy nguồn sức mạnh nội trị trong mỗi cơ thể người một cách kịp thời.
Nhưng cũng rủi ro thay, ngày nay, trong thời đại phương tiện giao thông tiện lợi cùng khả năng di chuyển như một đặc tính của con người xã hội toàn cầu hóa, một vật chủ mang virus từ Đông sang Tây hay ngược lại không cần mất đến hàng tháng, mà chỉ cần chưa đến một ngày. Vật chủ ấy hẳn không ngồi tại chỗ khi đến một nơi mới mà liên tục xê dịch, giao lưu, khiến gia tốc lây lan virus tăng đến mức hệ thống y tế thích ứng chậm của chúng ta khó kiểm soát kịp.
Nguy cơ và nguy cơ
Tranh tả Edward Jenner (1749-1823) chích ngừa bệnh đậu mùa vào năm 1796. Nguồn: Christophel Fine Art/Universal Images Group/Getty Images
Thế nhưng, dẫu con người giảm chết bởi loài vi sinh, nhưng không có nghĩa là những kẻ thù không thấy được bằng mắt trần thôi đeo bám.
Quả thật, lịch sử dịch tễ học cho thấy, như một vận mệnh, loài vi sinh luôn hợp tác với con người để tạo ra những chất men cho sự sống, lại có những “băng đảng” với khí giới ngày càng lợi hại, luôn thách thức và đe dọa cướp đi sinh mệnh ký chủ. Cuộc chiến trên những chiến trường tế bào và gene diễn ra âm thầm trong ta khi mỗi người luôn gánh trong mình hàng chục ngàn loại virus.
Trong cuộc chiến dai dẳng và dễ lãng quên đó, loài người vẫn luôn thụ động, chậm chân và “kém thông minh hơn” – theo cách nói của một bác sĩ – so với virus.
Con người luôn đuổi theo virus khiến ta có thể nghĩ rằng, trong lịch sử “tiến hóa” của mình, loài hữu hình như bị vướng phải một lời nguyền phải chạy hụt hơi trước sự tai quái của loài “vô hình”. Lời nguyền ấy càng ứng nghiệm, thách thức trong một nền văn minh “trật ray” với tự nhiên, trong một thế giới công nghiệp tôn sùng sản xuất và tiêu thụ, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến mối nguy mất cân bằng sinh thái.
rong khi các chính trị gia, những người thường ngày tỏ ra hào hứng, đặt cả niềm tin hướng ngoại vào toàn cầu hóa và kiểu lý thuyết “thế giới phẳng” đang hốt hoảng kêu gọi phong thành, cách ly xã hội, cách ly quốc gia… thì giới học giả khoa học nhân văn những ngày qua đã lên tiếng về mặt trái của toàn cầu hóa duy kinh tế và sự kết nối nhưng thiếu liên đới thực sự trong kỷ nguyên chúng ta đang sống. Nhà xã hội học Pháp Michel Maffesoli1 cho rằng, cuộc khủng hoảng về sức khỏe này sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng xã hội, ở đó, là sự sụp đổ của tính hiện đại và giải huyền thoại tiến bộ của nền văn minh.
Đã bắt đầu vang lên đó đây những thông điệp tự vấn cần thiết. Thật vậy, nếu lần về những biến cố đại dịch đã để lại những ký ức nặng nề trong lịch sử nhân loại, chúng ta có thể nhận ra đại dịch lần này mang đến cho con người một sự tự vấn về nền văn minh mà mình đang xây dựng và thỏa mãn. Hệ miễn dịch nền văn minh thực ra vẫn còn đầy thụ động trước kẻ thù không nhìn thấy được và những liều vaccine biểu trưng cho kinh nghiệm hôm qua (một phương pháp dù đã được nâng cao và phổ biến, nhưng cần nhớ, đã sử dụng hàng thế kỷ) bị thách thức về tính khả dụng trước những tình thế bất định của những trận đại dịch lây lan thần tốc với sự “trợ lực” của toàn cầu hóa.
Con virus SARS-CoV-2 đã trình bày một thực tế lạnh lùng. Không gì khác, một tâm lý một xã hội nguy cơ – như cách dùng từ của nhà xã hội học Ulrich Beck đang điều khiển hành vi chúng ta. Những ảo giác về sự hiểu biết và tri thức (thực chất là thông tin nguy cơ được sản xuất, đóng gói và cung ứng kịp thời bởi toàn cầu hóa công nghệ thông tin) đã xúi giục hành động con người thay vì tạo ra bản lĩnh, sự điềm tĩnh trong một đời sống tinh thần vững vàng, nhân bản và tương trợ. Và trong cuộc tranh giành cơ hội sống sót cho đến quyền được tiêu dùng, chúng ta chẳng thấy gì ngoài nỗi sợ hãi tột độ dẫn tới bạo lực, tranh giành và tương tàn.
Khi viết về “xã hội nguy cơ”, Bùi Văn Nam Sơn đã có một mổ xẻ khá thú vị: “Sự mất an toàn sẽ thay thế chỗ cho sự khan hiếm. Cộng đồng nhu cầu trở thành cộng đồng lo âu. Ước mơ của xã hội phân chia giai cấp là ai cũng muốn và cần giành được một phần của chiếc bánh. Còn trong xã hội nguy cơ, ước mơ là làm sao cho mình tránh khỏi tai nạn và sự đầu độc”2
Đại dịch kéo giật lại một cỗ xe vạn năng của con người đang lao về phía trước bằng một phương lực ngược chiều, đủ mạnh để chỉ cần thiếu chuẩn bị, con người sẽ bật khỏi quỹ đạo cuộc sống. Bệnh tật có tính dân chủ (và cũng toàn trị) hơn tất thảy mọi thiết chế dân chủ (và toàn trị) mà nhân loại đã hô hào xây dựng và củng cố.
hưng ngược lại, nếu nhìn bằng con mắt ít bi quan, tình thế cách ly xã hội như một giải pháp tạm dừng chân, một mặt nhằm bảo vệ cá nhân và cộng đồng trong thụ động trước cuộc chiến sinh học, một mặt chuẩn bị cho hệ miễn dịch văn hóa để đương đầu trong cuộc chiến, thì xem ra, đây là một dịp để áp lực của hung thần virus dẫn dắt con người trở về với vùng nội tâm sâu thẳm, tự kích ứng một nội lực tinh thần nhằm kiện toàn, xây dựng lại từng hỏng hóc văn hóa liên đới.
“Vậy thì con người là thứ kỳ quái gì đây? Mới lạ, kỳ quặc, hỗn loạn, mâu thuẫn, thần kỳ biết chừng nào! Thứ giun đất ngu ngốc, cũng là kẻ phán xét về muôn vật; vừa lưu giữ cái chân lí vừa chất chứa bao bất định và lầm lạc; vừa là vinh quang mà vừa là rác rưởi của vũ trụ. Rồi đây ai gỡ nổi mớ rối bời này?”. Cái cuộn dây tinh thần mà Pascal từng kêu ca rằng quá chừng rối rắm được trao cho con người hiện đại tháo gỡ.
Chiến tranh, nhưng chiến trường ở đâu?
Tranh của The Economist
Nếu bấy lâu, những hào nhoáng và bận rộn của các bữa tiệc toàn cầu hóa cùng sự yên tâm với những kỹ năng ứng phó bệnh tật đã cũ, những cuộc chiến thương mại và quân sự đỉnh cao, hữu hình đã khiến cho chúng ta xao nhãng một trận chiến âm thầm diễn ra bên trong thì đây là lúc chúng ta được nhắc nhớ rằng, có một cuộc chiến hướng vào bên trong (nếu có thể dùng từ “cuộc chiến” hay “chiến tranh” như một ẩn dụ), đã thường xuyên diễn ra, không xa lạ gì: cuộc chiến của bản chất làm người muôn thuở. Ở đó, kẻ nội gián của virus đó chính là sự bạc nhược có thể trỗi dậy nhanh chóng sau những lầm tưởng sức mạnh, sự tổn thương và thất vọng sau khi ảo giác tứ hải giai huynh đệ của “toàn cầu hóa” bị phá hủy một cách phũ phàng, sự bất tín với các thiết chế xã hội từ chính trị đến văn hóa, thậm chí cả tôn giáo, sau khi những bản thiết kế tinh thần ngàn đời của loài người đã bị khủng hoảng trước một loài vi sinh mà chúng ta ngỡ đã bỏ xa trong thang bậc tiến hóa…
Cuộc chiến với virus đã ngày càng đòi hỏi năng lực hướng nội nhiều hơn, trước hết là tăng cường năng lực tinh thần bên cạnh những nỗ lực ứng phó của sức khỏe thể chất. Ở đó, sự nhất quán, hài hòa với chính mình thể hiện qua các hành vi được dẫn dắt bởi những nguyên tắc đạo đức, đồng thời hài hòa trong tương quan trách nhiệm với đồng loại và môi trường sinh thái phải là các nguyên tắc đặt lên hàng đầu, vì sự sống lành mạnh thực thụ, không phải phục vụ cho “selfie văn minh”.
Có nhà tư tưởng đã cho rằng cũng như đại dịch Cái Chết Đen đã đặt dấu chấm hết cho cấu trúc xã hội thời Trung cổ, thì Covid-19 sẽ là sự chấm hết cho thế giới của thời hiện đại. Dự báo trên bao hàm sự bi quan và khắc kỷ.
Nếu nhìn trên phương diện tin tưởng vào nghiên cứu dịch tễ học và tính khả dụng của một phương pháp đã có từ hơn trăm năm để đối mặt với những kẻ thù mắt trần không nhìn thấy được trong cuộc chiến đầy khốc liệt, chúng ta cần vững tin vào năng lực chế ngự vi sinh lần này của loài người và sức mạnh nội trị của đề kháng trong ta. Và tin cả vào một cơ hội chỉnh sửa văn minh từ cuộc cách ly tinh thần miễn cưỡng nhưng mang lại những trải nghiệm chung, quá đỗi lạ lùng về thân phận con người.
Cuối cùng, loài đại diện cho phe “hữu hình” trong “cuộc chiến đang được nhận một một bài học hiện hữu không ít trả giá và tổn thương. Một tình thế, mà như Italo Calvino nói qua một cuốn sách trong bộ Tổ tiên của chúng ta: “Rồi anh ta sẽ học… Chính chúng tôi cũng đã không biết là mình hiện hữu trong nhân gian… Ngay chuyện hiện hữu cũng phải học…”3
Nền văn minh hiện đại yêu phô diễn nhưng quá mong manh đang thực thi một cuộc “cách ly trong tinh thần xã hội” để chậm rãi, tự vấn bản chất của hệ miễn dịch cá nhân và những liên kết với tha nhân, nhân loại.
Vấn đề còn lại là, con người sẽ chịu ngồi yên trong đơn độc để gỡ cuộn len rối rắm hay sẽ lại mất kiên nhẫn (mất kiên nhẫn cũng là một thuộc tính của con người hiện đại!) tranh giành cuộn len ấy và vội vã dùng những cây kéo bén ngọt để cắt ngang xắn dọc, tạo ra những đoạn đứt lìa vô phương chắp nối? □