Hãy tích lũy kiến thức khoa học, đừng tích trữ thuốc

Hãy tích lũy kiến thức khoa học, đừng tích trữ thuốc

Hãy tích lũy kiến thức khoa học, đừng tích trữ thuốc

 

Nhân viên nhà máy ở thị trấn Nam Thông, Trung Quốc kiểm tra thuốc chloroquine phosphate. Ảnh: Getty

Nhân viên nhà máy ở thị trấn Nam Thông, Trung Quốc kiểm tra thuốc chloroquine phosphate. Ảnh: Getty

Thật không may, nó cũng tạo ra một số phản ứng đám đông nguy hiểm do công chúng nhận thức rủi ro không đầy đủ. Xu hướng lao đi mua, tích trữ chloroquine, thậm chí có người nguy kịch vì tự uống là điều đáng tiếc đã xảy ra. Bài viết dưới đây giải thích căn nguyên khoa học và những lưu ý cần tránh.

Trump khẳng định FDA đã chấp thuận – FDA bảo chưa

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19/3 tại Nhà Trắng rằng thuốc chloroquine trước đây dùng để chống sốt rét, nay đã được FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) phê chuẩn để điều trị bệnh COVID-19. Ông Trump nói rằng FDA thường mất rất nhiều thời gian để phê duyệt các loại thuốc điều trị, nhưng lần này thì rất nhanh đã thông qua.

Nhưng ngay sau đó, Ủy viên FDA Stephen Hahn cho biết cơ quan này chưa phê duyệt bất cứ thuốc nào để điều trị COVID-19. Ông nói thêm rằng, chloroquine đã được FDA phê duyệt để điều trị các bệnh khác, nên các bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân COVID-19 nếu họ muốn. Có thể kê đơn, nhưng sự an toàn và hiệu quả của chloroquine trong điều trị căn bệnh này vẫn chưa được chứng minh đầy đủ.

Ở Việt Nam nhiều người đã lao đi mua chloroquine về tích trữ! Điều tương tự cũng xảy ra ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Thực ra, thuốc chloroquine đã được Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc chấp thuận từ ngày 19/02/2020, được quy định rõ trong “Phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi do coronavirus chủng mới – Phiên bản 6”. Theo đó, thuốc chloroquine phosphate 500mg dạng viên uống chỉ định cho người lớn, 2 lần mỗi ngày.


Tương tự như việc nhiều người dân tự ý sử dụng kháng sinh đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh và gây ra những chủng virus mới, việc tự ý mua thuốc tích trữ để sử dụng cho mùa dịch COVID-19 có thể phải trả giá cao hơn bằng tính mạng.


Ngày 23/3, phụ nữ trẻ ở Vũ Hán biết được thông tin này, mặc dù không bị nhiễm virus, nhưng vẫn mua thuốc trên internet về dùng, hậu quả suýt mất mạng tại phòng hồi sức cấp cứu đặc biệt của bệnh viện. Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện thành phố Vũ Hán, bác sĩ trực tiếp cứu sống nạn nhân cho biết, cô không có bất cứ dấu hiệu bệnh tật nào khi ở nhà, nhưng vì quá lo sợ nên mua thuốc 18 viên chloroquine sulfate loại 500mg từ mạng xã hội và uống hết trong 1 ngày. Hậu quả cô bị mê sảng, nhịp tim nhanh rung thất, may mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời, cô thoát chết trong gang tấc.

Hôm 24/3, NBC News cho biết một cặp vợ chồng 60 tuổi ở bang Arizona đã dùng thử chloroquine sau khi nghe Tổng thống Trump nói loại thuốc này có thể trị COVID-19. Hậu quả là vợ chồng bà phải nhập viện. Chồng bà không qua khỏi còn bà nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Ảnh: Getty

Ảnh: Getty

Theo Hãng tin AFP, một số người trong cộng đồng khoa học đang chỉ trích Trump vì “lăng xê quá mức” các loại thuốc chloroquine trị sốt rét trong dịch COVD-19 khi chưa có bằng chứng rõ ràng. Họ cũng lo ngại việc tuyên truyền và sử dụng quá mức chloroquine sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt thuốc đối với những người thật sự cần dùng để trị bệnh lupus, viêm khớp và những loại bệnh khác theo đúng tác dụng của thuốc.

Ngày 30/3, trước áp lực từ Tổng thống Trump và nhà Trắng, FDA mới cấp giấy phép sử dụng Chloroquine và hydroxychloroquine khẩn cấp (emergency use)mặc dù không có đủ các bằng chứng lâm sàng, nhưng cơ quan này vẫn chưa đưa ra khuyến nghị hay phê duyệt cho sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh Covid-19. Tính đến nay, cả WHO và Bộ Y tế Việt Nam đều chưa khuyến cáo sử dụng Chloroquine trong việc điều trị COVID-19. Việc sử dụng – nếu có, mặc dù không bị ngăn cấm nhưng sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ theo từng trường hợp bệnh nhân.

Trong cuộc họp ngày 28/3 với các nước G20, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa nhấn mạnh: “Trong lịch sử y khoa, đã có nhiều ví dụ về những phương thuốc mà trên lý thuyết hoặc trong phòng thí nghiệm đạt kết quả rất tốt, nhưng lại không có hiệu quả đối với người hoặc trái lại nguy hiểm đối với người. Chúng ta phải chờ kết quả thử nghiệm chắc chắn. Không thể đốt cháy giai đoạn.”

Hiện nay, có khoảng 3 loại thuốc chính đang được thử nghiệm lâm sàng và có thể có tiềm năng trong việc điều trị COVID-19, gồm Remdesivir (một loại thuốc ức chế enzyme cần thiết cho virus sao chép bộ gene của nó, từng thử nghiệm điều trị Ebola), Cloroquine hoặc hydroxychloroquine là thuốc chống sốt rét; và Ritonavir-Lopinavir là thuốc ức chế HIV. Ngoài ra còn có một số thử nghiệm sử dụng favipiravir (thuốc trị cảm cúm). Tuy nhiên, tất cả đều đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người khỏe mạnh và sẽ mở rộng đối tượng trên 1 số người bệnh nhẹ.

Thông điệp rất rõ ràng, việc sử dụng thuốc điều trị, đặc biệt trong trường hợp này là chloroquine, phải theo chỉ dẫn của bác sĩ chứ không nên tự ý áp dụng theo bất kì lời khuyên y khoa nào.

Nhìn nhận bình tĩnh trong câu chuyện thử nghiệm thuốc

Thông tin là vàng, đặc biệt với những thông tin liên quan đến sức khỏe con người càng cần sự bình tĩnh và thận trọng, thay vì vội vàng trước áp lực tình thế. Để trả lời câu hỏi sự kết hợp thuốc có thực sự mang lại hiệu quả hay không sẽ cần rất nhiều nghiên cứu. Điều tích cực là các bác sĩ, phòng thí nghiệm đều đang phát triển những phương thức mới và thử nghiệm thuốc để cứu chữa bệnh nhân. Vai trò của cộng đồng là tìm hiểu kỹ thông tin khoa học gắn với thuốc và dịch bệnh nói chung, hiểu rõ những rủi ro đi kèm trước khi đưa ra bất kì quyết định nào.

Chẳng hạn, cả hai loại thuốc gốc chloroquine và hydroxychloroquine đều đang được cho là có hiệu quả với việc chữa trị bệnh nhân COVID-19. Chúng ức chế sự sinh sản của virus dựa vào 2 cơ chế: (i) làm thay đổi pH của túi nội bào khiến virus SARS-CoV-2 khó xâm nhập và sinh sôi hơn, và (ii) ức chế cạnh tranh với một thụ thể trên bề mặt tế bào phổi là ACE2 mà virus corona hay bám, từ đó gián tiếp ức chế sự nhân đôi của virus.

Tại cuộc họp báo do Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tổ chức vào ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Từ Nam Bình cho biết: “130 trường hợp COVID-19 có triệu chứng nhẹ được điều trị bằng chloroquine phosphate không chuyển nặng. Trong 5 bệnh nhân còn lại có tình trạng nghiêm trọng, 4 trường hợp đã được xuất viện và 1 trường hợp đã ổn định. Trung Quốc sẽ chứng minh hiệu quả của chloroquine trong các nghiên cứu với quy mô lớn hơn.”

Chloroquine phosphate đã được cập nhật vào ‘Phiên bản thứ 6’ phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi COVID-19 của Trung Quốc. Tính đến ngày 8/3/2020, tổng cộng 22 loại thuốc chống sốt rét đã được đăng kí tại Trung tâm đăng ký thử nghiệm lâm sàng ChiCTR Trung Quốc. Hiện nay, có 32 nhà sản xuất (như Tập đoàn Dược phẩm Kunya, Dược phẩm Bắc Trung Quốc, v.v.) đang chạy đua sản xuất chloroquine phosphate, với tổng số 43 lô. Trong bối cảnh COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, nhiều nhà sản xuất trước đây đã từng xóa sổ chloroquine, thì này đang nối lại sản xuất, bao gồm tập đoàn Dược phẩm Quảng Đông Trung Thăng, Công ty TNHH Dược phẩm Thượng Hải, Nhà máy Dược phẩm Tây Nam Trùng Khánh. Với rất nhiều nhà sản xuất như vậy: số lượng chloroquine sẽ không hiếm, do vậy không nhất thiết phải có tâm lý hoảng loạn tích trữ thuốc.

Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất khi sử dụng cả cloroquin và hydroxycloroquin đều là nguy cơ độc tính trên tim khi sử dụng kéo dài ở bệnh nhân rối loạn chức năng gan, thận và ức chế miễn dịch. Nó cũng có thể gây độc với máu hoặc tổn thương mắt. Đầu năm 1988, một bài báo được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy sử dụng quá liều (> 5g) chloroquine có thể gây ngộ độc nghiêm trọng và tử vong, các biện pháp cấp cứu sẽ không còn hiệu quả. Ở Việt Nam, theo bảng phân loại độc tính của thuốc, chloroquine được xếp vào loại bảng B với tính “nguy hiểm” có thể gây chết người. Phác đồ thứ 6 của Trung Quốc cũng quy định rất rõ về liều chloroquine phosphate gây chết người ở người trưởng thành là 2 – 4 g và yêu cầu cơ sở ý tế theo dõi chặt chẽ bệnh nhân sử dụng thuốc.


Mối lo ngại lớn nhất khi sử dụng cả cloroquin và hydroxycloroquin đều là nguy cơ độc tính trên tim khi sử dụng kéo dài ở bệnh nhân rối loạn chức năng gan, thận và ức chế miễn dịch. Nó cũng có thể gây độc với máu hoặc tổn thương mắt.


Độc tính của thuốc dẫn đến câu hỏi liều lượng bao nhiêu là đủ? Thật không may, hiện tại chưa có sẵn dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCTs) để hướng dẫn về việc sử dụng, hiệu chỉnh liều hoặc xác định thời gian sử dụng hydroxycloroquin tối ưu trong dự phòng hoặc điều trị nhiễm SARS-CoV-2, do vậy các bác sĩ ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác đều đưa ra những mức liều hydroxycloroquin khác nhau tùy bệnh nhân của họ.

Việc kết hợp thuốc trong điều trị cũng là điều đang được nghiên cứu. Hiện có 1 nghiên cứu thăm dò của GS. Philippe Gautret và cộng sự tại Mỹ về hiệu quả kết hợp chloroquine + thuốc kháng sinh azithromycin trong điều trị bệnh nhân mắc SARS-CoV-2. Nhìn trực giác vào kết quả thử nghiệm lâm sàng – combo thuốc làm giảm đáng kể lượng virus từ ngày thứ 3 và đến ngày thứ 6 thì 95% bệnh nhân xét nghiệm âm tính – nó mang lại cho chúng ta rất nhiều hi vọng, đặc biệt trong thời điểm dịch bùng phát dữ dội ở khắp châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, cũng như nhiều nghiên cứu trước, đây mới là thử nghiệm thăm dò, với số lượng ca bệnh quá ít chỉ 36 người và không phân bệnh nặng nhẹ, nên không phải là nghiên cứu ngẫu nhiên. Vì thế kết quả nghiên cứu chỉ dừng ở mức ghi nhận mà chưa nói được bất cứ điều gì về mặt khoa học.

Thực sự, nhiều người trên thế giới đang bị bệnh và mong muốn có thuốc điều trị, nhưng nguyên tắc bất biến là “sử dụng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ”. Tương tự như việc nhiều người dân tự ý sử dụng kháng sinh đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh và gây ra những chủng virus mới, việc tự ý mua thuốc tích trữ để sử dụng cho mùa dịch COVID-19 có thể phải trả giá cao hơn bằng tính mạng. Quan tâm đến sức khỏe nên thể hiện bằng việc tuân theo các thực hành y tế tốt như hạn chế tiếp xúc, giữ vệ sinh, tập thể dục và trau dồi kiến thức khoa học.

Nguồn: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/hoc-online-khong-co-gi-moi-chi-la-chung-ta-da-chan-chu/20200401103855866p1c785.htm