Một loại thí nghiệm cực kỳ nguy hiểm
Tháng 2-2019, một bài báo trên Science đã lên tiếng: “Độc quyền – Loại thí nghiệm gây tranh cãi làm cúm gà nguy hiểm hơn sắp tái diễn”.
Ở nhiều phòng thí nghiệm tại nhiều nước trên thế giới từng có một loại thí nghiệm “ngược đời”: tìm cách làm cho các chủng virus hiện có gây nguy hiểm hơn cho con người, gọi là “gia tăng chức năng” (gain-of-function).
Họ giải thích rằng loại thí nghiệm này là cần thiết vì giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn cách lây truyền của virus gây bệnh, đồng thời lập kế hoạch phòng chống đại dịch.
Dĩ nhiên nhiều nhà khoa học khác phản đối, cho rằng thí nghiệm như thế là cực kỳ nguy hiểm. Nước Mỹ quyết định tạm ngưng cấp kinh phí cho loại thí nghiệm này từ năm 2014.
Giữa lúc cuộc tranh cãi giữ hay bỏ loại thí nghiệm ấy diễn ra rất gay gắt, David Relman – nhà vi sinh học tại ĐH Stanford – đặt vấn đề: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ví dụ các nhà khoa học cố ý tạo ra những đột biến của virus Ebola, rồi để nó lây lan trong không khí nhằm nghiên cứu xem khả năng lây lan của nó đáng sợ đến mức nào? Có lẽ nào lại chấp nhận một thí nghiệm nguy hiểm đến thế?
Trong thực tế đã có một số thí nghiệm cố tình tạo ra những thay đổi trên virus gây ra bệnh cúm gà để nó dễ dàng lây lan qua con chồn Ferret. Các thí nghiệm này đã thành công. Lúc đó đã có nhà khoa học nhận định giới khoa học đã có thể tạo ra những con virus “siêu phàm”, nó mà lọt ra khỏi phòng thí nghiệm chắc chắn sẽ tạo ra một đại dịch cho toàn thế giới.
Nhưng vẫn có những nhà khoa học biện bạch cho nỗ lực của họ. Nhà virus học Yoshihiro Kawaoka (ĐH Wisconsin, Mỹ) cho rằng thí nghiệm mà nhóm của ông đang làm có thể thuyết phục chính phủ các nước rót thêm tiền để nghiên cứu chế tạo vaccine, vì virus đột biến có thể gây đại dịch mà thế giới chưa sẵn sàng ứng phó.
Ông và nhiều người cùng quan điểm cho rằng loại thí nghiệm “gia tăng chức năng” cho virus có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích – loại thông tin vốn không thể có được nếu cứ chờ virus đột biến trong tự nhiên.
Cuộc tranh cãi cuối cùng dẫn đến quyết định của Chính phủ Mỹ lúc ấy là tạm ngưng rót tiền cấp kinh phí cho loại nghiên cứu này. Quyết định nói rõ các phòng thí nghiệm không được dùng ngân sách nhà nước để làm cho các loại virus, kể cả virus bệnh cúm, SARS, MERS thêm nhiều độc lực hay dễ dàng lây nhiễm hơn.
Trở lại bài báo trên tờ Science vào đầu năm ngoái, từ những nguồn tin độc quyền, tờ này cho biết sau khi tạm ngưng 4 năm, nay Chính phủ Mỹ cho tổ chức một ủy ban xem xét khả năng phê duyệt hai thí nghiệm loại “gia tăng chức năng” mà hai phòng thí nghiệm đề xuất.
Hồi đầu tháng 5 này, tờ Vox lại có một bài dài nêu lên những lý do vì sao các phòng thí nghiệm phải chấm dứt các nỗ lực làm cho virus độc hại hơn. Tờ báo trích nguồn từ Newsweek và The Washington Post cho biết phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán (Trung Quốc) cũng có những hoạt động mang tính chất này.
Dù khẳng định SARS-CoV-2, tên chính thức của con virus corona chủng mới gây COVID-19, không phải là một mầm bệnh nhân tạo do con người dùng tiến bộ sinh học để tạo ra, đã có nhiều nhà khoa học không loại trừ khả năng virus lây lan là do một tai nạn nào đó khi con người tiếp xúc với động vật hoang dã và bị lây nhiễm.
Tiếp xúc như thế có thể xảy ra ngoài đời hay xảy ra trong môi trường phòng thí nghiệm – khả năng sau cao hơn khả năng trước, nhất là khi phòng thí nghiệm có nghiên cứu cố tình làm virus độc hại hơn.
Với đại dịch COVID-19 vẫn đang còn tác quái, nay càng dễ trả lời câu hỏi tờ Vox đặt ra: Vì sao chính phủ lại cấp kinh phí cho các phòng thí nghiệm tìm cách làm cho các virus đã độc hại càng độc hại hơn, dễ lây lan giữa người với người hơn?
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Medicine vào năm 2015, phòng thí nghiệm Vũ Hán và một số nhà khoa học Mỹ, Thụy Sĩ cho biết họ đã chế tạo thành công một con virus giống như virus SARS, lấy từ những đầu gai protein ở bề mặt một loại virus corona tìm thấy ở dơi. Họ đặt tên nó là SHC014.
Mục đích của việc nghiên cứu là quan sát khả năng virus corona trên dơi lây nhiễm cho người. Họ còn cho biết thêm con virus corona này có thể lây lan và sinh sôi trên các tế bào khí quản của người. Nghiên cứu này hiện vẫn còn đăng trên Nature Medicine.
Ngay lúc đó, nhiều nhà khoa học khác đã phản đối việc “chế tạo” virus như thế vì rủi ro của dạng nghiên cứu này lớn hơn lợi ích nhiều lần. Ông Simon Wain-Hobson, nhà virus học thuộc Viện Pasteur ở Paris, nhấn mạnh con virus mới được tạo ra sinh sôi rất nhanh trong tế bào người và cho rằng nếu virus thoát ra bên ngoài, không ai có thể đoán được hậu quả.
Virus từng rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Điều khó hiểu hơn cả là từng có nhiều vụ rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm. Nguồn từ chính Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận con virus gây ra dịch SARS vào năm 2003 đã mấy lần thoát ra khỏi các phòng thí nghiệm nghiên cứu mầm bệnh sau dịch.
Bên trong một phòng thí nghiệm của Nga đặt tại khu vực Siberia. Tháng 9-2019, một vụ nổ nhỏ ở đây đã gây ra nhiều lo lắng bởi nơi này chứ các mẫu virus ebola và đậu mùa. (Ảnh: TASS) |
Trong một bản tin vào tháng 6-2004, WHO cho biết tính từ tháng 7-2003 đã có 4 trường hợp bùng phát dịch bệnh do virus SARS thoát ra khỏi phòng thí nghiệm. Nguy hiểm nhất là trường hợp thứ 3 liên quan đến một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh, virus thoát ra bên ngoài vào tháng 4-2004 gây bệnh cho 9 người, 1 tử vong, may mà ngăn chặn được vào giữa tháng 5.
Tờ National Post của Canada trong một bài về các vụ virus đào thoát khỏi phòng thí nghiệm kể chi tiết hơn và cho biết virus SARS đã 6 lần trốn thoát khỏi phòng thí nghiệm: 1 lần ở Singapore, 1 lần ở Đài Loan và 4 lần ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
Vụ ở Singapore là trường hợp đầu tiên, xảy ra vào tháng 8-2003, khi một nghiên cứu sinh 27 tuổi ở Trường ĐH Quốc gia Singapore bị lây nhiễm. Dù anh này nghiên cứu virus West Nile nhưng phòng thí nghiệm nơi anh làm việc cũng đồng thời nghiên cứu virus SARS còn sống. Ngay sau đó, WHO tổ chức một ủy ban gồm các chuyên gia để chỉnh sửa hướng dẫn an toàn sinh học khi nghiên cứu SARS.
Vụ ở Đài Loan xảy ra vào tháng 12-2003, khi một nhà nghiên cứu ngã bệnh và cuộc điều tra sau đó cho rằng ông này đã xử lý chất thải sinh học nguy hiểm mà không mang găng tay, khẩu trang hay áo khoác.
Ngẫu nhiên là ngay hôm sau ngày chính thức báo cáo vụ lây nhiễm SARS này, ủy ban chuyên gia WHO cũng hoàn tất các tiêu chí an toàn mới. Bốn vụ còn lại đều xảy ra ở Viện Vi khuẩn học quốc gia Bắc Kinh và các cuộc điều tra sau đó cho thấy có nhiều lỗ hổng trong an toàn sinh học ở nơi này.
Ngoài ra, tờ National Post cũng liệt kê nhiều vụ virus đào thoát khỏi phòng thí nghiệm khác, như vụ lây nhiễm virus gây bệnh đậu mùa vào tháng 3-1972 ở Anh. Một nhân viên phòng thí nghiệm nuôi cấy virus trong trứng gà mà không có những biện pháp bảo vệ bị lây nhiễm và nhập viện; trước khi cách ly, người này lây qua cho hai người khác, rồi hai người này lây thêm cho một y tá.
Tờ Vox cũng cho biết năm 2014, 75 nhà khoa học thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC Mỹ) bị phơi nhiễm vi khuẩn than. Mấy tuần sau, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) tình cờ phát hiện hàng trăm lọ chứa mẫu virus bị bỏ quên trong kho lạnh, trong đó có 6 lọ chứa virus gây bệnh đậu mùa, có thể đã nằm yên ở đó từ những năm 1960.
Trong khi đó, những người hoài nghi loại thí nghiệm “gia tăng chức năng” như Thomas Inglesby, ĐH Johns Hopkins, cho biết ông chưa thấy một hãng làm vaccine nào nói họ cần thông tin từ loại thí nghiệm đó để chế tạo vaccine. Ông cũng chưa bao giờ thấy thông tin thu thập được từ các thí nghiệm ngược đời này tỏ ra hữu ích trong thực tế. ■