Cuộc đụng độ văn hóa Á – Âu

Cuộc đụng độ văn hóa Á – Âu

Tạm gác sang một bên những thống kê còn gây tranh cãi của Trung Quốc, số liệu ở các nước được coi là minh bạch hơn tại châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam cho thấy tới thời điểm này, phương Đông đang làm tốt hơn phương Tây trong kiềm chế đại dịch COVID-19.

Mỗi nước lại một hoàn cảnh, nhưng điểm chung là các quốc gia nói trên đều phản ứng nhanh nhạy và quyết liệt ngay từ những dấu hiệu dịch bệnh đầu tiên. Các nước cũng từng trải qua một dịch bệnh hung hiểm không kém cách đây chưa lâu, SARS vào năm 2003, điều giúp tạo ra phản ứng phòng vệ không khác gì một hệ miễn dịch cơ thể người từng qua một lần bạo bệnh.

Tuân thủ dân sự

Không giống nhiều nước phương Tây, phản ứng ở phương Đông là dứt khoát, quyết liệt, trực tiếp và gần như không đoái hoài tới sự phán xét bên ngoài. Nhưng để các chính phủ làm được điều đó, cần phải có một sự “tuân thủ dân sự” cao độ trong quần chúng, điều gần như trái ngược với việc đề cao chủ nghĩa cá nhân và sự “bất tuân dân sự” ở phương Tây.

Sự tuân thủ này, khi dân chúng không chỉ chấp hành sự giám sát của nhà nước, mà thậm chí còn giám sát lẫn nhau, góp phần làm giảm bớt sự hoảng loạn, như có thể thấy rõ nhất trong trường hợp Hàn Quốc.

Ngay từ cuối tháng 1, trong lúc gần như cả nước vẫn đang nghỉ Tết âm lịch, giới chức y tế Hàn Quốc đã triệu tập đại diện của hơn 20 công ty dược với yêu cầu khẩn cấp: Đất nước cần bộ xét nghiệm hiệu quả một loại virus mới đang hoành hành ở Trung Quốc, lúc đó còn chưa có tên SARS-CoV-2, ngay lập tức. Bấy giờ, Hàn Quốc mới có bốn ca nhiễm được xác định.

“Chúng tôi rất lo lắng, chúng tôi tin rằng virus này có thể phát sinh thành đại dịch – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Lee Sang Won thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Hàn Quốc, người có tham dự cuộc họp, nói với Reuters – Chúng tôi đã hành động không khác gì quân đội”.

Một tuần sau cuộc họp ngày 27-1, CDC Hàn Quốc đã chấp thuận cho bộ xét nghiệm đầu tiên của một công ty quốc nội được lưu hành. Bảy tuần sau cuộc họp, Hàn Quốc đã xét nghiệm cho hơn 290.000 người và phát hiện 8.000 ca nhiễm.

Một sự tuân thủ như thế của lĩnh vực tư nhân với yêu cầu từ nhà nước, khi tình hình có vẻ còn chưa nghiêm trọng, có lẽ chỉ có thể diễn ra ở những nền văn hóa Khổng giáo. Ở Mỹ, nơi có ca nhiễm được phát hiện đầu tiên cùng ngày với Hàn Quốc, tới gần cuối tháng 3 mới có 60.000 xét nghiệm được thực hiện, dù quy mô dân số của Mỹ lớn hơn Hàn Quốc nhiều (330 triệu so với 51 triệu dân).

Sự hiệu quả của Hàn Quốc còn nhờ việc theo dõi và thu thập thông tin từ người dân không cần trát tòa, xét nghiệm bắt buộc và cả cách ly tự nguyện, những điều mà người phương Tây, vốn nhấn mạnh tự do cá nhân, khó lòng chấp nhận, theo Bruce Klingner – chuyên gia về Hàn Quốc và Nhật Bản ở Quỹ Heritage, Mỹ.

Luật chống dịch ở Hàn Quốc cho phép chính phủ tiếp cận điện thoại di động, thông tin thẻ tín dụng và tài chính cũng như dữ liệu GPS của công dân để xác định họ đã ở đâu và ở với ai. Một số nước châu Á cũng cách ly không chỉ người nhiễm, mà người tiếp xúc với người nhiễm.

Các chính quyền ở đây cũng hiểu rằng họ không có đủ nhân viên y tế và máy đo nhiệt độ cho tất cả mọi người, nên việc dập dịch đòi hỏi thông tin đầy đủ cho người dân và tìm kiếm sự hợp tác từ họ. Các đài truyền hình, thông báo ở những địa điểm công cộng, tin nhắn điện thoại, cả mạng xã hội, Internet… liên tục được tràn ngập lời nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay…

Ở hầu hết các nước Á Đông, việc truyền tải thông điệp liên tục tạo ra một mục đích chung cho cả cộng đồng, đôi khi là cảm giác khẩn cấp và đòi hỏi sự hi sinh không khác gì thời chiến. Thăm dò dư luận ở Hàn Quốc cho thấy sự nhất trí cao của dân chúng với những nỗ lực của chính quyền cũng như ít có tình trạng hoảng loạn, tích trữ hàng hóa.

“Sự tin tưởng của quần chúng dẫn tới ý thức công dân cao độ và sự hợp tác tự nguyện làm nỗ lực chung dễ dàng hơn” – Lee Tae Ho, thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, nói với các phóng viên.

Văn hóa Khổng giáo

Một lời giải thích khác cho những con số cũng đượm màu văn hóa. Ví dụ như ở Nhật Bản, tin Twitter đăng ngày 25-3 của tài khoản @sctm_27 đã nhận được 42.000 lượt thích tính đến 6-4 liệt kê những khác biệt lối sống Đông – Tây, dù có dịch hay không: đeo khẩu trang, rất ít đụng chạm thân thể (như ôm ấp hay bắt tay, nhất là với người khác giới), không mang giày dép trong nhà…

Nhà sinh học tế bào người Nhật Hironori Funabiki cũng nói đeo khẩu trang, việc ít trò chuyện hay tiếp xúc trên phương tiện công cộng, ít tụ tập vì lý do tôn giáo, ít ăn thức ăn bốc tay (điều phổ biến ở các nước phương Tây thích gặm bánh mì hơn chúng ta nghĩ) có thể đã góp phần làm bệnh dịch đỡ nghiêm trọng hơn ở Á Đông.

Một khác biệt văn hóa nữa góp phần giải thích cho các số liệu, theo The Japan Times, là việc người Nhật và người Á Đông nói chung thường tránh xét nghiệm nếu có thể, thay vì tích cực và muốn được xét nghiệm như dân Âu – Mỹ.

“Một số người sợ rằng nếu dính COVID-19, họ có thể gây phiền toái cho người khác – điều tối kỵ trong văn hóa Nhật Bản – Japan Times giải thích – Lấy ví dụ, không ai muốn mắc bệnh và rồi trở thành lý do khiến cả nhà máy hay công ty phải đóng cửa, hay vì mình mà các khách hàng sẽ sợ hãi, không dám tới cửa hàng hay công ty của mình”. Kiểu tư duy tương tự ít thấy hơn ở phương Tây.

Tất nhiên, cũng có nỗi sợ lớn bị kỳ thị nếu mắc COVID-19. “Bởi vì ở Nhật Bản, người ta có xu hướng cho rằng một người đau bệnh có phần là vì lỗi của người đó”, Japan Times nhận xét. Điều này bình thường đến mức đáng kinh ngạc ở nhiều nước châu Á.

Lẽ đó, những câu như “thời buổi dịch sao còn đi du lịch?”, “sao lại không đeo khẩu trang?”, hay “rửa tay chưa?” cũng rất thường nghe ở phương Đông, trong khi ở phương Tây, đó có thể là những câu hỏi bị coi là có tính áp đặt và xâm phạm đời tư.

Thứ văn hóa vị cộng đồng – hoặc quá e sợ cộng đồng và luôn muốn chạy theo đám đông, tuân thủ và phục tùng, tùy quan điểm – ăn sâu bén rễ trong tiềm thức Á Đông là một thực tế. Nó có cả những mặt tích cực lẫn tiêu cực và trong dịch bệnh lần này, có vẻ mặt tích cực đang được phát huy.

Sự đối lập càng lớn trong bối cảnh hiện tại. “Sự tín nhiệm lẫn nhau trong xã hội ở Hàn Quốc cao hơn nhiều nước, nhất là các nền dân chủ phương Tây đang sa lầy trong sự phân cực và một làn sóng dân túy” – báo Mỹ The New York Times viết ngày 23-3.

Tương tự, sự tín nhiệm hay bất tín nhiệm với chính quyền ở hai cực văn hóa là hoàn toàn khác nhau. Nếu như ở phương Tây, chính quyền luôn bị nhìn nhận bằng con mắt nghi kỵ và các chính trị gia luôn được nhắc nhở rằng họ cũng chỉ là những công dân được bầu lên và phải có nghĩa vụ phụng sự tương ứng với quyền lực họ được trao thì ở Á Đông, suy nghĩ “quan chi phụ mẫu” hay “thương dân như con” vẫn còn dai dẳng.

Một bài trên The Wall Street Journal 13-3 nhận xét: “Những dấu ấn văn hóa lâu dài của Khổng giáo đã giúp nhà nước kiểu phụ mẫu [ở Hàn Quốc] được thoải mái can thiệp đời sống người dân trong tình huống khẩn cấp”. Với quan điểm nhấn mạnh tự do, đặc biệt là tự do cá nhân, nhiều người phương Tây sẽ không chấp nhận sự can thiệp và cai quản kiểu đó, dù là từ nhà nước hay chính những công dân đồng bào.

Những người phớt lờ khuyến cáo giãn cách xã hội, những bữa tiệc kỳ nghỉ xuân đông đúc, những công viên vẫn nhộn nhịp và cả những quốc gia vẫn sinh hoạt bình thường mặc dù đại dịch toàn cầu đã là điều rõ ràng, là điều không hiếm thấy ở phương Tây. Nếu như người Á Đông có thể kinh ngạc với việc những đồng loại của họ bên kia địa cầu sống “bất chấp” và “ích kỷ”, thì dân Âu – Mỹ cũng lấy làm khó hiểu không kém khi thấy người châu Á lại dễ dàng chấp nhận những biện pháp “độc đoán” và “hà khắc” từ chính quyền 
như vậy!■

Jane Hyun, tác giả người Mỹ gốc Hàn sống và làm việc ở New York, đã viết một bài nhiều gợi mở trên trang Fast Company với tựa đề “Thách thức sáng tạo với nước Mỹ: Đón nhận những giá trị văn hóa khác để chống COVID-19”.

“Liệu những người Mỹ hết sức coi trọng sự độc lập và chủ nghĩa cá nhân chúng ta có thể học được “tinh thần tập thể” ở các nước đã thành công trong việc làm chậm lại sự lây lan của virus corona hay không? – Hyun viết – Tại sao chúng ta [tức người Mỹ] không nhìn nhận lại vấn đề? Thay vì bác bỏ những biện pháp [được triển khai ở các nước Á Đông] là “hà khắc”, tại sao không tìm hiểu xem vì sao các biện pháp đó lại hiệu quả và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp hơn với môi trường riêng có của chúng ta?

Quá thường xuyên, chúng ta quên mất yếu tố văn hóa; điều hiện hữu trong mỗi chúng ta, ảnh hưởng tới những hành vi mà chúng ta nhìn nhận là có thể chấp nhận được hay không, những phán đoán đúng sai của chúng ta. Cứ ở Bắc Mỹ, chúng ta không nhận ra tác động của văn hóa tới khi chúng ta so sánh mình với những người khác, hay tới khi nó xung đột với những cách làm trước giờ vẫn hiệu quả của chúng ta…

Ở Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Trung Quốc, tinh thần tập thể này áp đảo, ưu tiên được dành cho cộng đồng, tập thể hay tổ chức, sự nổi bật không được khuyến khích; bởi thế các quyết định được đưa ra luôn phải tính tới lợi ích tốt nhất cho cộng đồng”.

Nguồn: https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20200416/cuoc-dung-do-van-hoa-a-au/1555821.html?fbclid=IwAR0sjEhyzNuVL34ZysK4yjJeMI4fNAXERwrdpuBGh7db45qYZ3jConLqoY0