Sai lầm và nguy hiểm
Vừa qua, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cắt ngân sách tài trợ cho Tổ chức y tế thế giới (WHO). Điều này đã làm dấy lên lo ngại trong giới nghiên cứu trên khắp thế giới, và giờ đây họ đang thúc ép chính phủ các nước phải hành động ngay để ngăn chặn nguy cơ làm hủy hoại cơ quan y tế toàn cầu.
Bài viết dưới đây của Ban biên tập Tạp chí Nature để cảnh báo hành động cắt ngân sách của WHO “là sai lầm và nguy hiểm”.
Theo lệnh của Tổng thống Donald Trump, thì Mỹ – một trong những thành viên sáng lập chủ chốt và là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO, đã tuyên bố ý định sẽ ngừng tài trợ cho cơ quan này, trong lúc xem xét về hoạt động chống dịch Covid-19 của WHO. Thời gian đánh giá [hoạt động của WHO] có thể kéo dài lên tới ba tháng. Đây là động thái mới và căng thẳng nhất từ phía chính phủ của Tổng thống Trump sau một loạt phê phán, chỉ trích những lỗi sai của WHO trong việc hướng dẫn các nước và đưa ra hành động ứng phó đại dịch coronavirus.
Hoạt động chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ y tế khác của WHO trên toàn thế giới sẽ gặp rủi ro rất lớn nếu thiếu đi khoản tài trợ của Mỹ, lên tới gần 900 triệu USD cho hai năm 2018-2019. Vẫn chưa rõ liệu Nhà Trắng có thể dừng khoản tài trợ này hay không – vì đã được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn tài trợ – và nếu có thể rút lại, họ có thể giữ lại bao nhiêu.
WHO bị thiếu hụt ngân sách sẽ gây hệ lụy đặc biệt nguy hiểm đối với những quốc gia nghèo, bởi vì cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến, duy trì các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng y tế công cộng cũng như tiến hành các chương trình để khắc phục các dịch bệnh chết người. Hiện nay, các nhà dịch tễ học, bác sĩ lâm sàng và nhân viên hậu cần của WHO đang giám sát hơn 35 hoạt động khẩn cấp, bao gồm cả dịch sởi ở Cộng hòa Dân chủ Congo và dịch tả ở Yemen. Ngoài các hoạt động khẩn cấp đó, WHO xử lý và nỗ lực liên tục để điều trị các bệnh lao, tiểu đường; bệnh bại liệt; nghiên cứu các bệnh nhiệt đới,… Tất cả dựa trên ngân sách hàng năm khoảng 2,4 tỷ USD. Trong số này, ngân sách ứng phó khẩn cấp của WHO là khoảng 280 triệu USD. Những con số này khiêm tốn hơn nhiều so với chi phí mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) – cơ quan giải quyết các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tại Mỹ đang phải chi tiêu – mức tổng ngân sách riêng năm nay vào khoảng 12,7 tỷ USD.
Tìm sự cân bằng
Một đại dịch luôn là một thử thách lớn đối với WHO. Trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trước đây, cơ quan này đã từng bị chỉ trích vì hành động quá chậm, hoặc bị cho là đánh giá rủi ro lên quá mức, ví dụ như WHO bị chỉ trích vì đã phóng đại nguy cơ khi xảy ra dịch cúm H1N1 2009. Nhưng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, các nhà nghiên cứu và bác sĩ y tế cộng đồng hàng đầu đồng ý rằng, cơ quan này đã đưa ra các hướng dẫn và hành động dựa trên những bằng chứng khoa học thu nhận được.
WHO đã được thông báo về một loạt các trường hợp viêm phổi của Trung Quốc vào ngày 31/12 và đã bắt đầu thực hiện một quá trình ứng phó khẩn cấp vào những ngày tiếp theo. Cơ quan này bắt đầu đăng tải và cập nhật hướng dẫn về cách chẩn đoán Covid-19, kiểm tra chẩn đoán và gửi đi tất cả các nước để thực hiện. Bộ phận khoa học của WHO đã triệu tập các chuyên gia thế giới để đánh giá các phương pháp trị liệu tiềm năng. Sau đó, WHO đã phát triển một chuẩn thức thử nghiệm lâm sàng thích ứng, được gọi là SOLIDARITY và giới thiệu trên toàn cầu.
Gần đây, WHO đã thiết lập một hệ thống quản lý chuỗi cung ứng để cố gắng đảm bảo cho các quốc gia thu nhập thấp không bị bỏ rơi nếu các nước này thiếu xét nghiệm, thiết bị y tế hoặc trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế. Bởi hiện nay các nước đều đang cạnh tranh khốc liệt để thu gom vật tư y tế và nguồn này cung cho các nước nghèo càng trở nên khan hiếm.
WHO đã tuyên bố tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp trên toàn cầu (PHEIC) vào ngày 30/01 để cho các nước thành viên của WHO làm theo khuyến nghị của họ. Sau đó các nước đã xây dựng một chương trình kiểm tra toàn diện, cách ly những người nghi ngờ bị nhiễm bệnh và truy tìm nguồn lây của họ.
Một số quốc gia đã hành động nhanh chóng, bao gồm Đức, Singapore và Hàn Quốc. Nhưng Mỹ nằm trong số những nước không tuân theo các khuyến nghị cụ thể trên. Ngay cả hiện nay, Mỹ cũng không xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia để xét nghiệm virus, cũng như không truy dấu các mối liên hệ liên quan của những người bị nhiễm Covid-19.
Đầu tháng 3, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã có một phát biểu khẩn khoản trước thế giới: “Các bạn không thể chống lại virus nếu bạn không biết nó ở đâu. Điều đó có nghĩa là [chúng ta] phải giám sát chặt chẽ, cách ly, kiểm tra và xử lý mọi trường hợp, để ngăn chặn chuỗi lây nhiễm”.
Nhưng chính quyền Trump đã chọn cách không làm theo lời khuyên của WHO. Thay vào đó, các nhà làm chính sách có ảnh hưởng đã kêu gọi một cuộc điều tra về hành động của WHO, cho rằng cơ quan này quá chậm trong việc báo động [về dịch bệnh] và quá bảo vệ chính phủ Trung Quốc. Đồng thời, họ kéo WHO vào một loạt câu hỏi xa hơn để nhắm trực tiếp vào chính phủ Trung Quốc, bao gồm: Trung Quốc có thể đã hành động nhanh hơn sau khi những ca đầu tiên bùng phát? Trung Quốc đã giữ kín các thông tin quan trọng về đại dịch? Những câu hỏi như vậy phải hỏi Trung Quốc, chúng không dành cho WHO, và đó cũng không thể là lý do để ngừng tài trợ tổ chức này.
Đại dịch này cần cả thế giới tuân theo một kế hoạch phối hợp, gồm các quyết định bao gồm cả cách thức và thời điểm giãn cách xã hội cũng như nới lỏng giãn cách xã hội. Nhưng điều bất thường là, đã hơn ba tháng kể từ sau khi bùng phát, không hề có một kế hoạch phối hợp tổng thể như vậy giữa các nước. Hi vọng tốt nhất lúc này là trong cuộc họp thượng đỉnh của các bộ trưởng y tế nhóm các quốc gia G20 sẽ bàn thảo [về phương án phối hợp]. Và để đạt được điều đó, tất cả các quốc gia phải hợp tác với WHO và các cơ quan quốc tế khác.
Gần 70 năm trước, Hoa Kỳ là thành viên cốt yếu đầu tiên tham gia thành lập WHO. Các quốc gia nhận ra rằng họ cần một cơ quan như vậy, một phần vì họ không thể giải quyết đại dịch bằng cách hành động đơn lẻ. Việc WHO phải đấu tranh cho tương lai của chính mình, để được tiếp tục làm công việc hỗ trợ y tế mà cơ quan này được sinh ra để thực hiện, là một bản cáo trạng buồn cho tất cả của chúng ta.
Chúng ta cần hỗ trợ WHO để cơ quan này luôn trong trạng thái hoạt động tốt nhất, chứ không phải làm suy yếu nó trong thời điểm khẩn cấp như hiện nay.