Khi dự án máy trợ thở bị bóp ngạt vì tiền

Khi dự án máy trợ thở bị bóp ngạt vì tiền

Lẽ ra nước Mỹ và cả thế giới đã không rơi vào tình trạng thiếu máy trợ thở như hiện nay nếu dự án Aura được tiến hành suôn sẻ.

Sau nhiều đợt dịch bệnh như SARS, MERS rồi cúm gia cầm, cúm lợn, các chuyên gia y tế Mỹ buộc phải đánh giá lại chiến lược đối phó với một đại dịch gây khủng hoảng y tế khắp nơi. Trong các biện pháp phòng chống dịch có dự án sản xuất máy trợ thở, là phòng tuyến cuối cùng khi bệnh nhân trở nặng, suy hô hấp cần hỗ trợ.Năm 2006, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ thành lập một cục mới – Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến (BARDA), có nhiệm vụ chuẩn bị đối phó các cuộc tấn công hóa chất, sinh học và hạt nhân, kể cả bệnh truyền nhiễm. Họ đánh giá máy thở hiện có trong kho vừa không đủ, đắt tiền, lại khó vận hành, rất cồng kềnh.

Tháng 11-2007, BARDA triệu tập các chuyên gia để thảo luận các tiêu chí làm ra một loại máy thở di động, dễ sử dụng, dễ đào tạo người vận hành và dễ sản xuất đại trà một khi có nhu cầu. Dự án Aura ra đời nhằm thúc đẩy việc thiết kế, sản xuất một máy thở như thế. Họ xác định với một trận dịch cỡ vừa nước Mỹ sẽ cần thêm 70.000 máy thở loại này.

Theo kế hoạch Bộ Y tế Mỹ đưa ra trong tờ trình về ngân sách gửi Quốc hội nước này vào năm 2008, mục tiêu đặt ra là sau khi gọi thầu thiết kế rộng rãi trong doanh nghiệp, đến năm 2010 hay 2011 sẽ có máy đã qua vòng phê duyệt sẵn sàng để sản xuất đại trà. Sau đó, Chính phủ Mỹ dự trù sẽ mua 40.000 máy đưa vào kho dự phòng.

Trong khi giá một máy thở bình thường chừng 10.000 – 20.000 đôla, BARDA đặt ra tiêu chí giá máy chỉ còn chừng 3.000 đôla; ai làm ra máy rẻ chừng nào thì chính phủ sẽ mua nhiều chừng đó.

Sau khi nhiều doanh nghiệp tham gia bỏ thầu, BARDA chọn Newport Medical Instruments, một công ty nhỏ ở California, chuyên sản xuất máy thở. Năm 2009 dịch cúm H1N1 bùng phát, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước đoán đại dịch sẽ làm 60 triệu người lâm bệnh, tử vong sẽ khoảng chừng 12.000 người. Hợp đồng với New Port được ký chính thức, nơi này nhận ứng trước 6,1 triệu đôla với các khoản chi trả khác theo lộ trình giao máy.

Dù dịch cúm H1N1 dần biến mất vào năm 2010, việc triển khai hợp đồng vẫn được tiến hành; cứ ba tháng một lần, các quan chức y tế đến thăm New Port xem xét tiến độ. Năm 2011 ba chiếc máy mẫu đầu tiên được chở từ nhà máy ở California đến Washington để trình diễn. Tháng 4-2012, một quan chức Bộ Y tế Mỹ ra điều trần trước Quốc hội Mỹ nói rằng dự án Aura chạy đúng tiến độ, dự kiến tháng 9-2013 sẽ nộp hồ sơ để được phê duyệt sử dụng trong điều trị.

Bất thình lình mọi chuyện ngưng trệ.

Tháng 5-2012, Covidien, một hãng sản xuất thiết bị y tế lớn, có niêm yết trên thị trường chứng khoán, tổng doanh thu lên đến 12 tỉ đôla vào năm đó, bỗng quyết định mua lại New Port với giá chỉ 100 triệu đôla. Covidien cũng sản xuất và bán máy thở nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ trong hàng loạt mặt hàng họ sản xuất.

Mua xong New Port thì dự án sản xuất máy thở đơn giản, rẻ tiền cho Chính phủ Mỹ không còn nằm trong ưu tiên của Covidien nữa. Theo phỏng vấn của The New York Times với nhiều cựu quan chức và lãnh đạo New Port, người ta nghi ngờ Covidien bỏ tiền ra mua New Port để diệt dự án Aura từ trong trứng nước nhằm ngăn chặn New Port hoàn chỉnh một chiếc máy sẽ có giá bán hủy diệt loại máy thở mà Covidien đang kinh doanh.

Không ai dại gì thúc đẩy sản xuất loại máy sẽ cạnh tranh và bóp chết chính sản phẩm cùng ngành của công ty mẹ. Sau đó nhiều nhân vật New Port từng gắn bó với dự án Aura bị chuyển sang bộ phận khác, nhiều người nghỉ việc.

Đến năm 2014 vẫn chưa có máy để giao, Covidien tuyên bố họ muốn rút ra khỏi dự án với lý do sản xuất với giá đó thì họ không có lãi. Chính phủ Mỹ đồng ý ngưng hợp đồng, khởi động lại từ đầu bằng cách giao cho Hãng Philips của Hà Lan.

Tháng 7 năm ngoái, FDA chính thức phê chuẩn chiếc máy thở Trilogy Evo của Philips thiết kế; tháng 12-2019 Chính phủ Mỹ đặt mua 10.000 máy, thời điểm giao là giữa năm 2020 và dịch Covid-19 bùng phát. Hiện nay trong khi chờ các hãng, kể cả một số hãng sản xuất ôtô làm ngày làm đêm để cung cấp thêm máy thở cho nước Mỹ, các bệnh viện ở New York buộc phải dùng một phương pháp chưa từng có: một máy thở xài cho 2-4 bệnh nhân cùng lúc.

Nguồn: https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20200408/khi-du-an-may-tro-tho-bi-bop-ngat-vi-tien/1555412.html?fbclid=IwAR3uUkIxBXhzUZ0q09tyj5zYRapfb5efAoEFoTctRhveqLFkB6Abpnrl6HI