Vẻ đẹp trong âm nhạc Beethoven
Năm 2020, nước Đức và toàn thế giới cùng kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven, người dành cả cuộc đời để cống hiến cho âm nhạc và dành những cách tân táo bạo trong âm nhạc để kết nối con người với con người và khuyến khích con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách như tinh thần bản giao hưởng số 9: từ bóng tối vươn ra ánh sáng và tự do. Trong số đầu năm 2020, Tia Sáng xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của nghệ sĩ piano, nhạc trưởng Daniel Barenboim, một trong những nghệ sĩ hiếm hoi biểu diễn trọn vẹn 32 bản sonata piano và 9 bản giao hưởng của nhà soạn nhạc.
Biết tường tận về cuộc sống riêng tư của các nhà soạn nhạc luôn là điều thú vị, thậm chí đôi khi còn rất quan trọng với những người yêu âm nhạc, song để hiểu tác phẩm của họ thì không phải lúc nào cũng cần thiết. Với trường hợp Beethoven, dẫu người ta không được quên rằng vào năm 1802, năm ông nảy sinh ý định tự tử – như ông thổ lộ trong “Chúc thư Heiligenstadt”, một lá thư gửi các em trai của mình (nhưng bức thư vĩnh viễn không được gửi đi), nhưng trong cùng thời điểm này, ông cũng sáng tác Giao hưởng số 2, một trong những tác phẩm mang tinh thần lạc quan nhất của mình. Điều này cho chúng ta thấy, cần tách biệt âm nhạc khỏi tiểu sử cá nhân của nhà soạn nhạc và không hợp nhất hai thứ đó lại với nhau. Để hiểu về Beethoven, chúng ta nên tập trung vào các tác phẩm của ông.
Do vậy, tôi không có ý định giới thiệu cho mọi người một nghiên cứu tâm lý kỹ lưỡng về con người Beethoven thông qua phân tích các tác phẩm của ông hoặc ngược lại. Chúng ta hiểu rằng, người ta không thể giải thích bản chất hay thông điệp của âm nhạc chỉ thông qua ngôn từ. Về bản chất, với cách cảm nhận của những con người khác nhau thì âm nhạc mang những ý nghĩa khác nhau, thậm chí với cùng một con người, đôi khi họ có thể nhận ra những ý nghĩa khác nhau trong những thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Âm nhạc có thể mang tính thi ca, tính triết lý, tính gợi cảm hay thuần chất chỉ là âm thanh nhưng trong mọi trường hợp, theo quan điểm của tôi, nó phải ẩn chứa một cái gì đó có khả năng tác động lên tâm hồn của con người. Do đó, nó mang tính trừu tượng song phương tiện biểu đạt nó lại mang tính vật lý thuần túy và duy nhất: âm thanh. Tôi tin rằng sức mạnh của âm nhạc chính xác là sự đồng tồn tại một cách vĩnh viễn của thông điệp trừu tượng đó với các phương tiện biểu đạt, không thể tách rời.
Đó cũng là lý do tại sao khi chúng ta cố gắng miêu tả âm nhạc bằng ngôn từ, tất cả những gì chúng ta có thể làm chỉ là nêu được phản ứng trước âm nhạc của mình mà khó có thể nắm bắt được chính bản thân âm nhạc.
Tầm quan trọng của Beethoven trong thế giới âm nhạc chủ yếu được xác định bằng tính chất cách mạng vốn có trong các tác phẩm của ông. Rõ ràng, ông đã giải phóng âm nhạc khỏi các quy ước hòa âm và cấu trúc quen thuộc thịnh hành. Đôi khi tôi cảm thấy trong tác phẩm thời kỳ cuối của ông, sự xuất hiện của một ý chí muốn phá vỡ mọi dấu hiệu của tính liên tục trước khi người nghe nhận ra. Âm nhạc trở nên trúc trắc và dường như kết nối nội tại bị ngắt như trong bản sonata piano cuối cùng (Op 111). Do đó, trên mọi phương diện, ông là người can đảm và tự do tư duy. Nó cũng đòi hỏi sự can đảm ở người nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm của ông, không chỉ để biểu diễn mà còn là thấu hiểu âm nhạc ông viết ra.
Quả thực, thái độ can đảm này trở thành một yêu cầu quan trọng đối với những người biểu diễn nhạc Beethoven, ví dụ như trong việc sử dụng cường độ âm thanh. Thói quen của Beethoven trong việc tăng âm lượng bằng một crescendo mạnh mẽ rồi đột ngột tiếp theo nó là một đoạn êm ả bất ngờ (“subito piano”), những yếu tố hiếm khi được các nhà soạn nhạc trước ông sử dụng. Nói cách khác, Beethoven yêu cầu người biểu diễn dám vượt qua những lằn ranh quen thuộc để tạo ra những dòng nhạc mang tính thách thức nhất như lối chơi của nghệ sỹ piano vĩ đại Artur Schnabel.
Có những điều đặc biệt trong âm nhạc của Beethoven mà người ta vì quá “quen” với các tác phẩm nổi tiếng của ông, đã vô tình bỏ qua. Dĩ nhiên, độ kịch tính trong âm nhạc Beethoven là biểu hiện của cuộc đấu tranh phi thường với hoàn cảnh, như trong các bản Giao hưởng “Eroica” và Giao hưởng số 5 nhưng cũng cần phải đánh giá cao sự hướng nội như trong Giao hưởng “Đồng quê”. Mặt khác, ngay cả khi mang tính trữ tình như trong Concerto piano số 4 và Giao hưởng “Đồng quê”, âm nhạc vẫn ẩn chứa yếu tố hùng vĩ. Và khi diễn tả những tình cảm lớn lao và quy mô đồ sộ, âm nhạc vẫn mang đậm dấu ấn cá nhân, ví dụ rõ ràng là Giao hưởng số 9. Do đó, âm nhạc của ông chứa được rất nhiều sắc thái, vừa riêng vừa chung, vừa hướng nội vừa hướng ngoại, và rất nhiều lần những phẩm chất này được đặt kề cận nhau.
Theo quan điểm của tôi, song song với những cân bằng và đối chọi như thế này trong tác phẩm, Beethoven cũng đạt được sự cân bằng hoàn hảo trong kỹ thuật sáng tác của mình, giữa “áp lực dọc” – áp lực từ sự tinh thông hình thức, kết cấu âm nhạc đến các vấn đề kỹ thuật khác như hòa âm, cao độ, các dấu nhấn hoặc nhịp độ…, và “dòng chảy ngang” – những nội dung tư tưởng. Tôi tin rằng, ông hoàn toàn ý thức được sự kết hợp của các yếu tố này để tạo ra những tác phẩm sáng tạo theo nhiều góc độ, chẳng hạn như bạn tìm thấy một biểu hiện của nó trong Fidelio, vở opera duy nhất của ông, tác phẩm chứa một chuyển động không ngừng giữa các đối cực – từ ánh sáng đến bóng tối, tiêu cực đến tích cực, giữa các sự kiện xảy ra ở trên mặt đất và những sự kiện diễn ra dưới hầm ngục. Nhìn tổng thể, âm nhạc Beethoven có xu hướng chuyển từ hỗn loạn sang trật tự (như phần dẫn nhập Giao hưởng số 4) như thể trật tự là một nhu cầu của sự sống con người. Đối với ông, trật tự không bắt nguồn từ việc đơn thuần chán ghét những hỗn loạn đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta mà là một sự phát triển cần thiết để cho con người và xã hội con người ngày một hoàn thiện hơn.
Và điều gì khiến ngày nay, chúng ta vẫn còn nghe âm nhạc Beethoven? Nếu chiếc hộp của Pandore, sau khi những bệnh tật, khổ đau, chiến tranh thoát ra thì vẫn còn sót lại hi vọng, âm nhạc của ông có thể an ủi chúng ta rất nhiều điều. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hành khúc Tang lễ không phải là chương cuối cùng của Giao hưởng “Eroica” mà là ở chương thứ hai, để lời nói cuối cùng không phải là đau khổ. Do đó, người ta có thể diễn giải nhiều tác phẩm của Beethoven bằng cách nói rằng, trong cõi đời này, không thể tránh khỏi đau khổ song chính sự can đảm để chiến đấu với nó làm cho cuộc sống này đáng sống. □
Beethoven, một nhà soạn nhạc luôn nỗ lực để đạt tới sự trọn vẹn về kiến trúc, rõ ràng là đã truyền được tinh thần đó sang cho những nghệ sĩ piano biểu diễn âm nhạc của ông. Một trong những nghệ sĩ ấy là Daniel Barenboim, người đã hơn một lần biểu diễn trọn bộ 32 sonata piano của Beethoven. Lý giải cho việc này, Barenboim viện dẫn sự đa dạng của chúng: “Beethoven đã cố gắng tạo cho mỗi bản trong số 32 sonata đó một cách diễn đạt khác biệt. Chỉ qua trọn bộ tác phẩm, chúng ta mới thực sự trải nghiệm được điều đó.”
Barenboim, người sinh ra tại Argentina năm 1942 và từ thơ ấu đã được biết đến như một tài năng, đã lần đầu tiên thử sức chơi trọn bộ tác phẩm này ở tuổi 17. Barenboim quyết định lên các chương trình trong đó mỗi buổi đều có các sonata thời kỳ đầu, thời kỳ giữa và thời kỳ cuối. Ông nuôi dưỡng một tình yêu đặc biệt dành cho các tác phẩm đầu tiên của Beethoven ở hình thức này. “Chúng không nghèo nàn hơn hoặc kém phức tạp hơn các tác phẩm xuất hiện sau, mặc dù tầm nhìn tinh thần được mở rộng. Đối với tôi, chương đầu của Opus 7 cũng trọn vẹn về mặt hiệu quả như chương đầu của Giao hưởng Anh hùng ca. Nó cũng là kiệt tác”.
Barenboim, người bên cạnh sự nghiệp biểu diễn độc tấu còn xuất hiện trên sân khấu trong vai trò chỉ huy, đã thừa nhận ảnh hưởng của đời sống âm nhạc khác của mình lên cách ông chơi piano: “Đàn piano có khả năng phát ra âm thanh như một dàn nhạc mặc dù nó không nhất thiết phải luôn luôn như vậy. Nó có nhiều tông màu hơn bất kỳ nhạc cụ nào khác, nhưng đó là màu sắc trung tính. Clarinet và oboe có âm thanh đặc trưng – bất kể ai đang chơi chúng. Oboe bắt đầu với màu sắc riêng của nó, nhưng piano giống như một bức tường trắng đang chờ màu sắc được thêm vào. Với các bản sonata của Beethoven, piano không chỉ là một cây đàn mà còn là cả một dàn nhạc.”