Những ngôi nhà bít kín cửa sổ ở Anh
Nghe thì có vẻ kỳ lạ, nhưng đó hoàn toàn là sự thật. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1696, sau khi chính quyền áp đặt thuế cửa sổ (window tax), thứ bị hầu hết người dân căm ghét. Sắc thuế này quy định: căn cứ vào số lượng cửa sổ (hoặc các cấu trúc, thiết kế với công năng tương tự) của ngôi nhà mà chủ nhân sẽ phải đóng bao nhiêu thuế.
Mặc dù đã trải qua không ít lần điều chỉnh, nhưng nguyên tắc tính thuế về cơ bản vẫn là: nhà càng có nhiều cửa sổ, người chủ càng phải trả nhiều tiền.
Tại sao lại có thuế cửa sổ? Bởi trong mắt các nhà lập pháp, nó được xem là một giải pháp lý tưởng để thu thêm thuế từ giai cấp thượng lưu. Họ lập luận, người giàu thường sở hữu những ngôi nhà lớn với nhiều cửa sổ hơn, vì thế nên có trách nhiệm đóng thêm thuế. Ngược lại, do người phải sống trong các căn nhà nhỏ bé, ít cửa sổ, … cho nên sẽ không phải chịu gánh nặng bằng. Để làm cho đề xuất hấp dẫn tầng lớp dân nghèo, những ngôi nhà có dưới 10 cửa sổ còn được miễn hẳn thuế.
Nhưng chính sách này thật sự đã không hề “cấp tiến” chút nào do sai lầm cơ bản trong tư duy. Các gia đình thị dân nghèo thường sống trong những khu căn hộ thuê – vốn có khá nhiều cửa sổ, vì vậy sẽ trở thành đối tượng chịu thuế trên thực tế khi chủ nhà (người đóng thuế danh nghĩa) tăng tiền thuê. Tuy nhiên, điều ngây thơ nhất lại nằm ở giả định: người dân sẽ không tìm cách trốn thuế. Thực tế đã hoàn toàn trái ngược, khi chủ của những ngôi nhà có nhiều cửa sổ nghĩ ra sáng kiến bịt chúng lại để khỏi phải trả tiền. Số lượng cửa sổ trên các ngôi nhà mới được xây dựng ngày càng giảm, thậm chí còn bị bỏ hẳn. Điều này không những khiến cho người thuê nhà phải chịu mức giá cao hơn, mà họ còn phải sống trong điều kiện thiếu ánh sáng và lưu thông khí trời.
Ngoài ra, các nhà lập pháp lại càng đáng trách do thất bại trong việc định nghĩa thế nào là cửa sổ, tạo cơ hội cho nhân viên thuế vụ đánh thuế bất cứ thứ gì trông giống như thế, bao gồm cả những khung đục lỗ trên chạn bếp hoặc tủ đựng đồ ăn, khiến mọi tầng lớp dân chúng bất mãn. Văn hào Charles Dicken đã từng phản ánh điều này trong một số tác phẩm của ông, tiêu biểu là cuốn tạp chí Household Words xuất bản năm 1850:
“Cách ngôn ‘free as air’ (miễn phí như khí trời) đã không còn đúng nữa. Sắc thuế cửa sổ do Quốc hội thông qua khiến cả không khí lẫn ánh sáng đều trở thành xa xỉ phẩm. Người dân bị bắt trả tiền cho những thứ vốn do tự nhiên hào phóng ban tặng. Điều này vượt quá khả năng của nhiều người, khiến họ buộc phải lựa chọn ngừng tiếp cận hai trong số các nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống,” Dicken viết.
Năm 1851, loại thuế vô lý này cuối cùng cũng được bãi bỏ, sau 156 năm kể từ khi ra đời. Tuy nhiên, thuế cửa sổ chỉ là một trong số những sắc thuế ngớ ngẩn do chính quyền Anh Quốc vẽ ra để thu thêm ngân sách. Có thể kể đến thuế gạch (brick tax) được ban hành vào năm 1784 dưới thời Vua George III để trang trải cho nhiều cuộc chiến tốn kém tại các thuộc địa ở Bắc Mỹ và Carribe. Một lần nữa, người dân phản ứng lại bằng cách gia tăng kích thước gạch nung để làm giảm số lượng [gạch] cần dùng khi dựng nhà. Một số ngôi nhà được xây bằng loại gạch quá khổ như vậy hiện vẫn còn tại Measham, Leicestershire (miền Trung nước Anh).
Tương tự là loại thuế đánh vào số lượng lò sưởi gia đình trong giai đoạn 1662 – 1689. Và dân chúng đã đối phó bằng cách tụ tập đông người trong những căn phòng chật hẹp, nhằm tận dụng nhiệt lượng phát ra từ cơ thể để không phải đốt lửa. Nhưng nhìn chung, thuế cửa sổ vẫn tồn tại lâu và bị ghét nhất. Hệ lụy của nó thậm chí còn kéo dài đến tận hôm nay, với những ngôi nhà xưa cũ có cửa sổ bị bít kín nằm rải rác trên khắp đất nước.
Thành ngữ “daylight robbery” (cướp ngày) trong tiếng Anh được cho là bắt nguồn từ sự bất mãn của dân chúng trước sắc thuế cửa sổ. Tuy nhiên, cụm từ này chỉ chính thức xuất hiện trong một số văn bản in kể từ năm 1916, với ngữ cảnh không mấy liên quan tới tình trạng “sưu cao thuế nặng”. Mãi đến năm 1949, nó mới được dùng phổ biến hơn để ám chỉ sự bất công. Chính bởi sự thiếu nhất quán này – cả về mặt thời gian và ngữ nghĩa, nhiều nhà nguyên từ học tin rằng mối liên hệ giữa thuế cửa sổ với khái niệm “cướp ngày” chỉ là huyền thoại.
Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có câu hát ru: “Con ơi nhớ lấy câu này! Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” với nội hàm khá tương tự trong chừng mực nào đó. |
Nguồn: https://khoahocphattrien.vn/kham-pha/georges-claude-cha-de-cua-den-neon/2020061110343292p1c879.htm