Yural Noah Harari:”Virus không phải là mối nguy hiểm lớn nhất mà COVID-19 mang lại”

Yural Noah Harari:”Virus không phải là mối nguy hiểm lớn nhất mà COVID-19 mang lại”

Bản dịch bởi IIRR & PMC
———–
Một cuộc khủng hoảng có thể là một bước ngoặt lớn trong xã hội loài người. Chúng ta sẽ đi về đâu? Giáo sư Yuval Noah Harari, người đã tài trợ 1 triệu USD cho Tổ chức y tế Thế giới (WHO), giải thích những quyết định chúng ta đưa ra hôm nay về đại dịch COVID-19 sẽ thay đổi tương lai như thế nào với DW.
***Thưa giáo sư Harari, chúng ta đang ở giữa một đại dịch toàn cầu. Điều gì khiến ông bận tâm nhất về sự thay đổi của thế giới sau đại dịch?
Tôi nghĩ virus không phải là mối lo lớn nhất. Nhân loại có đủ kiến thức khoa học và thiết bị công nghệ để có thể chống lại virus này. Vấn đề thực sự ở đây là những con quỷ trong nội tâm của chính chúng ta, sự thù hận, tham lam và thiếu hiểu biết của chính chúng ta. Tôi sợ rằng mọi người đang phản ứng với cuộc khủng hoảng này không phải bằng sự đoàn kết toàn cầu, mà bằng sự thù hận, đổ lỗi cho các quốc gia khác, đổ lỗi cho các dân tộc và tôn giáo thiểu số.
Nhưng tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể mở lòng trắc ẩn, chứ không phải sự thù hận, để phản ứng với dịch bệnh bằng sự đoàn kết toàn cầu, điều này sẽ giúp chúng ta sẵn sàng giang tay cứu giúp những người đang cần sự giúp đỡ. Tôi cũng hy vọng rằng chúng ta sẽ phát triển khả năng phân biệt đâu là sự thật và không đặt niềm tin vào thuyết âm mưu. Nếu làm được điều đó, tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Chúng ta phải đối mặt, như bạn đã nói, với sự lựa chọn giữa việc giám sát sát toàn dân và trao quyền cho công dân. Nếu chúng ta không cẩn thận, dịch bệnh có thể đánh dấu một biến cố lớn trong lịch sử công tác giám sát. Nhưng làm thế nào tôi có thể cẩn thận với thứ gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát của mình?
Nó không hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, ít nhất là trong một nền dân chủ. Bạn bỏ phiếu cho các chính trị gia và các đảng, những người đề ra các chính sách. Vì vậy, bạn nắm một số quyền kiểm soát trong hệ thống chính trị. Ngay cả khi hiện tại không có các cuộc bầu cử, các chính trị gia vẫn đáp ứng với áp lực từ người dân.
Nếu người dân hoảng sợ về dịch bệnh và muốn một nhà lãnh đạo mạnh mẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo, điều này giúp cho một nhà độc tài dễ dàng tiếp quản hơn. Mặt khác, nếu như công chúng phản ứng mạnh mẽ khi một chính trị gia đi quá giới hạn, điều này sẽ ngăn các diễn biến nguy hiểm nhất xảy ra.
***Làm sao tôi có thể biết được ai hay cái gì có thể tin tưởng được?
Đầu tiên hãy dựa trên kinh nghiệm của bạn. Nếu bạn đã từng có một chính trị gia lừa dối bạn trước đây làm nhà lãnh đạo, bạn có thể không tin tưởng vào họ trong tình huống khẩn cấp này. Thứ hai, bạn có thể đặt câu hỏi về các lý thuyết được nghe kể. Nếu ai đó đưa ra một số thuyết về nguồn gốc và sự lây lan của coronavirus, hãy yêu cầu người này giải thích cho bạn biết virus là gì và nó gây bệnh như thế nào. Nếu người đó không trả lời được, điều đó có nghĩa là họ không có kiến thức khoa học cơ bản, vậy đừng tin bất cứ điều gì khác mà người này đang nói với bạn về đại dịch coronavirus. Bạn không cần bằng tiến sĩ sinh học. Nhưng bạn cần một số hiểu biết khoa học cơ bản về tất cả những điều này.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy tấn công khoa học, nói rằng các nhà khoa học là tầng lớp thượng lưu bị tách biệt với cộng đồng, rằng những thứ như biến đổi khí hậu chỉ là một trò lừa bịp, bạn không nên tin họ. Nhưng trong thời điểm khủng hoảng trên toàn thế giới này, chúng ta thấy rằng mọi người tin tưởng khoa học hơn bất cứ điều gì khác.
Tôi hy vọng chúng ta nhớ đến điều này không chỉ trong cuộc khủng hoảng này, mà cả khi cuộc khủng hoảng đã qua. Rằng chúng ta quan tâm và cung cấp cho học sinh một nền giáo dục khoa học tốt về các loại virus và lý thuyết tiến hóa. Ngoài ra, khi các nhà khoa học cảnh báo chúng ta về những thứ khác ngoài dịch bệnh, như về biến đổi khí hậu và sự sụp đổ hệ sinh thái, chúng ta sẽ quan tâm tới những cảnh báo của họ như chúng ta đang quan tâm đến điều họ nói về đại dịch coronavirus.
***Nhiều quốc gia đang thực hiện các hệ thống giám sát kỹ thuật số để ngăn chặn virus lây lan. Làm thế nào những cơ chế này có thể được kiểm soát?
Dù ở thời điểm nào, việc tăng cường giám sát công dân cũng phải đi đôi với tăng cường giám sát chính phủ. Trong cuộc khủng hoảng này, các chính phủ đang rót tiền vào công tác phòng chống dịch. 2 nghìn tỷ USD ở Mỹ. Hàng trăm tỷ euro ở Đức, v.v. Là một công dân, tôi muốn biết ai là người đưa ra quyết định và tiền đi đâu. Là tiền được sử dụng để cứu trợ cho các tập đoàn lớn, vốn đã gặp rắc rối ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát vì những quyết định sai lầm của người quản lý? Hay là tiền đang được sử dụng để giúp các doanh nghiệp nhỏ, nhà hàng và cửa hàng và những thứ tương tự?
Nếu chính phủ tham vọng vào việc giám sát chặt chẽ hơn, thì việc giám sát phải có hai chiều. Và nếu chính phủ lên tiếng rằng việc này quá phức tạp, chúng tôi không thể công khai tất các giao dịch tài chính, thì bạn hãy nói: “Không, nó không quá phức tạp. Nếu các vị có thể tạo ra một hệ thống giám sát khổng lồ để xem tôi đi đâu hàng ngày, các vị cũng có thể tạo ra một hệ thống cho thấy tiền thuế của người dân đang được sử dụng vào mục đích gì.”
Điều đó có thể thực hiện được bằng cách phân quyền và không để quyền lực tập trung vào tay một người hay một nhà cầm quyền đúng không?
Chính xác. Hiện nay, có một ý tưởng đang được thử nghiệm: cảnh báo mọi người biết những ai đã ở gần bệnh nhân nhiễm coronavirus. Có hai cách để làm điều đó: Cách thứ nhất là có một cơ quan trung ương thu thập thông tin về mọi người dân, nhờ đó cơ quan này có thể biết được liệu bạn có từng ở gần người nào đó nhiễm COVID-19 và phát ra cảnh báo cho bạn. Các khác là dùng điện thoại di dộng để giao tiếp trực tiếp với nhau không cần thông qua một cơ quan trung ương thu thập thông tin nào cả. Nếu tôi có ở gần ai đó nhiễm COVID-19 thì cả điện thoại của người đó và tôi đều nhận được tín hiệu và tôi được cảnh báo. Không cần phải có cơ quan trung ương thu thập thông tin và theo dõi tất cả mọi người
***Người Đức có thể tự nguyện cung cấp dữ liệu về coronavirus thông qua một ứng dụng theo dõi của cơ quan quản lý dịch bệnh liên bang RKI?
Hệ thống giám sát cho cuộc khủng hoảng hiện tại đã tiến một bước xa hơn, tới gần công nghệ gọi là “giám sát dưới da”. Phần da, bề mặt bất khả xâm phạm của cơ thể chúng ta, đang bị xâm lấn. Làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát được điều đó?
Chúng ta nên rất cẩn thận về nó. Việc giám sát trực tiếp theo dõi những gì bạn làm ở thế giới bên ngoài, những nơi bạn đến, những ai bạn gặp, những gì bạn xem trên TV hoặc trang web bạn truy cập. Nó không đi vào cơ thể bạn. “Giám sát dưới da” lại theo dõi những gì xảy ra bên trong cơ thể bạn: Từ nhiệt độ cơ thể đến huyết áp, nhịp tim đến cả hoạt động não của bạn. Và từ những dữ liệu đó, bạn có thể biết rất nhiều điều về một người
Bạn có thể tạo ra một chế độ toàn trị chưa từng tồn tại trước đây. Nếu bạn biết những gì tôi đang đọc hoặc những gì tôi xem trên truyền hình thì bạn có thể biết phần nào về thị hiếu nghệ thuật, quan điểm chính trị cũng như tính cách của tôi. Tuy nhiên, hiện điều này vẫn còn đang hạn chế. Bây giờ hãy thử tưởng tượng: bạn thực sự có thể theo dõi nhiệt độ cơ thể hoặc huyết áp hay nhịp tim của tôi khi tôi đọc một bài viết hoặc khi xem chương trình nào đó trên internet hoặc trên truyền hình. Rồi bạn có thể biết hết mọi thứ tôi cảm nhận vào mọi lúc. Điều này có thể dễ dàng dẫn đến việc tạo ra các chế độ toàn trị tồi tệ.
Điều này không phải là không thể tránh được. Chúng ta có thể ngăn không cho nó xảy ra. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần nhận thức được mức độ nguy hiểm và thêm nữa cần phải cẩn trọng khi trao quyền cho bất cứ điều gì trong hoàn cảnh nguy cấp hiện tại
***Liệu cuộc khủng hoảng này có khiến ông suy nghĩ lại về khái niệm con người thế kỉ 21?
Chúng ta chưa thể biết rõ được bởi vì nó phụ thuộc vào quyết định của chúng ta ngay lúc này. Nguy cơ xuất hiện một giai cấp không mang lại lợi ích đang thực sự gia tăng đáng kể vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Chúng ta có thể thấy tự động hóa đang ngày càng phổ biến, robot và máy tính ngày càng thay thế con người thực hiện nhiều công việc trong cuộc khủng hoảng này bởi họ bị nhốt trong nhà của chính mình, và bởi vì một điều nữa là con người thì có thể bị nhiễm bệnh, nhưng robot thì không thể. Chúng ta có thể thấy các quốc gia đang xem xét đưa một số ngành công nghiệp trở về nước thay vì sử dụng các nhà máy ở nước ngoài. Do cả tự động hóa và phi toàn cầu hóa, một giai cấp không mang lại lợi ích và bị mất việc làm vì công việc của họ đã được tự động hóa hoặc chuyển sang nơi khác sẽ xuất hiện, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển phải dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ.
Và điều này cũng có thể xảy ra ở các nước giàu. Cuộc khủng hoảng này đang gây ra những thay đổi to lớn trong thị trường việc làm. Mọi người đều làm việc tại nhà và trực tuyến. Nếu chúng ta không cẩn thận, điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của lao động có tổ chức, ít nhất là trong một số lĩnh vực công nghiệp. Nhưng điều này không phải là không thể tránh khỏi. Đây là một quyết định mang tính chính trị. Trong tình huống này, chúng ta phải chọn quyết định bảo vệ quyền của người lao động trong nước hay trên toàn thế giới. Các chính phủ đang đưa ra gói cứu trợ cho các ngành công nghiệp và cho các tập đoàn. Họ có thể đưa ra thêm điều kiện để bảo vệ quyền của người lao động. Thế nên mọi việc đều phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của chúng ta.
***Lịch sử sẽ nói gì về thời khắc này?
Tôi nghĩ các nhà sử học tương lai sẽ nhìn nhận điều này là một bước ngoặt trong lịch sử thế kỉ 21. Nhưng hướng rẽ là do chính chúng ta chọn lựa. Điều này là không thể tránh khỏi.
Giáo sư Yuval Noah Harari là tác giả của các cuốn sách sau: Lược sử loài người, Homo Deus và 21 bài học cho thế kỷ 21. Công ty tác động xã hội Sapienship của ông đã quyên tặng 1 triệu đô la cho Tổ chức Y tế Thế giới sau quyết định ngưng tài trợ cho tổ chức này của tổng thống Mỹ.