Vũ Hán: Những ngày không thể nào quên
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Đến nay, thành phố được xem là tâm dịch đã “phong thành” hơn một tháng, số ca nhiễm mới đang giảm, số ca xuất viện ngày càng tăng. Những ngày qua, nhiều người dân Vũ Hán đã trải qua biết bao đau khổ, tuyệt vọng, hụt hẫng và kinh hoàng. Họ kể lại câu chuyện của mình trên báo chí Trung Quốc.
Trong một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Ảnh: New York Post |
Vô tình nhiễm bệnh
Anh Hồ An Bình (53 tuổi), người Hồ Bắc, bắt đầu có dấu hiệu toàn thân nhức mỏi, ho, ớn lạnh, đắp mền ba lớp vẫn lạnh từ cuối tháng 12-2019, đến khi đi khám thì được chẩn đoán là viêm phổi. Chích thuốc hết hai ngày, sau đó đi chụp X-quang, lúc này bác sĩ bảo bệnh tình rất nghiêm trọng, yêu cầu nhập viện ngay.
Chiều 5-1, anh nhập viện Bệnh viện Trung Nam, TP Vũ Hán, kết quả cho thấy dương tính với COVID-19, trở thành những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Hồ Bắc. Hôm sau, anh sốt cao, khó thở và được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt ICU.
Lúc này, số ca nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 đã tăng mạnh, các bệnh viện bắt đầu đông nghịt. Ngày thường, anh Bình bán gia cầm ở chợ Hoàng Cương, hải sản trong chợ đa phần nhập từ chợ Hoa Nam, Vũ Hán, anh nghi ngờ mình bị lây bệnh từ chợ. Cũng như anh Bình, rất nhiều người đã vô tình nhiễm bệnh.
Anh Lâm An (40 tuổi) là một người như thế. Điều duy nhất có thể xác định là ngày 20-1, anh từng đến một ngôi chợ ở tầng hầm khu Kiều Khẩu để mua đồ tết. Ngôi chợ đó hằng ngày vẫn có hàng ngàn người ra vào, không gian khép kín. Hôm đó, anh không đeo khẩu trang.
Anh là người có dấu hiệu nhiễm bệnh đầu tiên trong nhà, sau đó vợ anh bắt đầu sốt, rồi đến mẹ vợ 70 tuổi cũng sốt, mệt mỏi, không ăn uống được. Mẹ vợ anh vốn đã bị cao huyết áp và hen suyễn. Anh rất lo mẹ vợ không chống chọi nổi.
Cô Lý Lệ Na ở khu Hán Dương, nói chuyện điện thoại bằng video với mẹ hôm 1-2, phát hiện mẹ cô ho rất nhiều. Bà lại sống một mình. Trước đó, cô từng nhắc mẹ cẩn thận, bệnh COVID-19 rất nguy hiểm, đừng đi những nơi đông người nhưng mẹ cô không nghe.
Trước tết, bà từng tham gia họp mặt bạn cũ, còn bảo cô: “Mọi người đều nói bệnh COVID-19 không đến nỗi nào, con xem ở ngoài đường vẫn đông người như vậy”. Sau khi phát hiện mẹ bị ho, Lý Lệ Na vội chạy qua nhà mẹ, đưa bà đi khám. Lúc đó, mẹ cô đã sốt 39 độ, chụp CT cho thấy viêm phổi, xếp vào diện nghi nhiễm COVID-19.
Trước khi đến nhà mẹ, cô Na cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý, cô cũng đeo khẩu trang mắt kiếng để bảo vệ mình. “Chăm sóc mẹ, tôi biết sẽ bị nhiễm COVID-19 nhưng vẫn phải đến thôi vì không còn cách nào khác, chỉ còn mình tôi có thể gánh vác”, cô Na kể lại với tờ Tân Kinh Báo.
Kế hoạch ban đầu của cô là cả nhà lái xe đi Quảng Tây. Nhưng cuối tháng 2, thấy số ca mắc COVID-19 tăng, tivi kêu gọi người dân không nên đi xa, gia đình cô đã hủy chuyến đi. Do quyết định đột ngột, cả nhà không chuẩn bị đồ ăn, hôm giao thừa cũng chỉ ăn bữa cơm đơn giản. May là hôm đó mẹ cô không đến, nếu không cả gia đình nhỏ của cô có nguy cơ nhiễm bệnh hết.
Vương Dật (38 tuổi) là giáo viên ở Vũ Hán. Trước ngày “phong thành”, cô cùng chồng con đi Hắc Long Giang, nhờ vậy mà thoát nạn. Sau khi dịch bệnh bùng phát, qua điện thoại cô phát hiện bố mẹ và vợ chồng em trai ở Vũ Hán đều có dấu hiệu bất thường, vội giục họ đi khám.
Sau khi đi khám, cả bốn người đều dương tính với COVID-19, trong đó đáng lo nhất là cô em dâu còn 20 ngày thì đến ngày dự sinh, họ đều không biết mình lây bệnh từ đâu.
Chờ đợi và chờ đợi
Khi ở phòng ICU, anh Bình hầu như không chợp mắt suốt hai ngày. Người nhà đều ở bên cạnh động viên. “Tôi không dám ngủ, sợ ngủ rồi sẽ không dậy nữa”, anh nhớ lại. Người nhà còn nhờ người quen mua thuốc ngoại, mỗi ngày hết 3.500 tệ (11,6 triệu đồng), rồi truyền nước biển liên tục. So với gia đình Vương Dật, Lê Na, anh Bình có thể nói là người may mắn trong số những người nhiễm bệnh thời gian đầu vì được chẩn đoán và nhập viện sớm.
Ba mẹ Vương Dật đều là bác sĩ, biết chích thuốc, nhờ bạn mua thuốc chống virus, mỗi ngày tự chích ở nhà, nhưng không hiệu quả. Em của Vương Dật một ngày lái xe đi hết năm bệnh viện, từ 8h sáng đến 4h sáng hôm sau, còn ba mẹ thì ngồi đợi ở bệnh viện, nhưng cuối cùng cũng không có giường bệnh.
Người cả nhà lo lắng nhất là em dâu đang mang bầu sắp sanh. Vì muốn cứu con dâu, mẹ Vương Dật thậm chí quỳ trước mặt bác sĩ cầu xin. Nhưng cũng chẳng ăn thua, vì thật sự không còn giường bệnh. Họ cứ thế chạy từ bệnh viện này đến bệnh viện khác.
Các bệnh viện đều xếp hàng dài, muốn nói vài câu với bác sĩ ít nhất phải đợi hai, ba tiếng đồng hồ. Liên tục mấy ngày liền, cả gia đình như rơi vào hoảng loạn, mẹ và em dâu cứ khóc sướt mướt cả ngày, mặt đờ đẫn như người mất hồn.
Xếp hàng, chờ đợi, chịu sự giày vò trong những ngày dài liên miên, rất nhiều gia đình giống như gia đình Vương Dật, họ đang cố giành giật sự sống từ tử thần.
Ngày 1-2, mẹ Lệ Na được xếp vào diện nghi nhiễm, phải chờ xét nghiệm bằng bộ thử. Hai mẹ con cứ sáng đến Bệnh viện Đông y Vũ Hán chữa trị, tối lại quay về nhà. Hằng ngày cô khử trùng hết nhà cửa, dùng nước đun sôi chén đũa, loay hoay đến 2h sáng mới xong việc.
Vì không được nhập viện, cô biến nhà thành bệnh viện, mua máy tạo oxy 2.300 tệ, máy thở oxy hơn 10.000 tệ, máy phun sương và đèn khử trùng hồng ngoại. Đến ngày 5-2, mẹ cô cuối cùng cũng được xét nghiệm COVID-19. Nhưng cũng hôm đó, bệnh tình mẹ cô trở nặng, sốt gần 40 độ, khó thở, chụp CT thấy viêm phổi.
Còn Lệ Na cũng sốt 39,2 độ, cô cảm giác mình đã nhiễm bệnh. Ba ngày sau, bệnh viện thông báo kết quả đang ở giữa âm tính và dương tính, yêu cầu kiểm tra lại cho chính xác. Cô nghe xong điện thoại, cảm giác như thể đất dưới chân đang sụp đổ. Lúc này mẹ cô đã không thể bỏ máy thở oxy, đại tiểu tiện không tự chủ được, và đã không thể bước xuống giường.
Khi mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả, tuyệt vọng đến cùng cực, Lệ Na bước ra ngoài lan can, cầm chiếc vá gõ mạnh vào chiếc thau “khua chiêng cầu cứu”: “Có ai đến cứu tôi không? Tôi thực sự đã hết cách rồi, tôi ở đây cầu cứu, tôi cũng không muốn lây bệnh cho mọi người”.
Hàng xóm gọi cảnh sát, cảnh sát đến nhưng không vào nhà. Cán bộ khu phố gọi điện an ủi. Hàng xóm động viên, nói mẹ cô có thể vào Bệnh viện dã chiến Hỏa Thần. Hôm đó đúng ngày rằm tháng giêng, là lễ Nguyên tiêu.
Ngày thường Lệ Na cũng là người sĩ diện, cô rất ghét những người khóc lóc ở nơi công cộng. “Nhưng tôi nghĩ nếu để mẹ ra đi, mà lại ra đi trước mắt tôi, tôi sẽ chịu không nổi, và chẳng còn biết sĩ diện là gì. Những người chưa từng trải qua sẽ không thể hiểu được nỗi đau bế tắc của tôi lúc đó”, cô nghẹn ngào kể lại với Tân Kinh Báo.
Đường phố Vũ Hán không một bóng người. Ảnh: Reuters |
Chiến đấu với tử thần
Nỗi lo của anh An rốt cuộc đã thành sự thật. Ngày 29-1, vợ anh bị chẩn đoán mắc COVID-19. Ngày 6-2, kết quả xét nghiệm của mẹ vợ anh cũng dương tính, nhưng bệnh viện không còn giường. Mỗi ngày, anh chở cả nhà vào viện chích thuốc.
Hai hôm sau, mẹ vợ anh bất tỉnh, cán bộ khu phố liên hệ được một chiếc xe cấp cứu chở đến phòng theo dõi của Bệnh viện Phổ Ái, Vũ Hán. Trước cửa phòng theo dõi, thùng giấy đựng thuốc chất đầy. Mẹ vợ anh đã trải qua 5 tiếng đồng hồ cuối đời của mình ở căn phòng theo dõi đó.
Lần đầu tiên anh An khóc, kể từ khi gia đình ba người đều bị chẩn đoán nhiễm COVID-19. Một cụ bà bình thường ở Vũ Hán, là một trong số 62 ca tử vong vì COVID-19 hôm đó, xuất hiện trên thông báo của chính quyền.
Vũ Hán sau khi “phong thành” cấm xe máy, cô Lý Tưởng đã chạy xe đạp chở theo người cha đang bị sốt từ bệnh viện này đến bệnh viện khác trong trời mưa. Cô chen lấn, khóc lóc trong dòng người xếp hàng dài ở bệnh viện. Sốt cao 12 ngày, cha cô mới được nhập viện.
Trước khi nhập viện, cha cô tự cách ly trong phòng, ngoài cửa phòng để một chiếc ghế, cơm nước cứ đặt trên ghế, khi thấy không có ai ngoài cửa ông mới lấy cơm vào ăn. Nhưng bà nội 86 tuổi thương con, cứ nửa đêm lại vào phòng ông, sờ trán xem còn sốt không. Ngày thứ hai cha cô Tưởng nhập viện, đến lượt bà nội cô bắt đầu sốt theo.
Còn cô Trương Mộng Lâm, khi không tìm được giường bệnh cho mẹ, suốt đêm không chợp mắt, liên tục gọi cho bệnh viện, khu phố, tình nguyện viên, đăng WeChat, gửi đơn nhờ giúp đỡ, kết quả đều là hãy chờ thông báo. Giờ mọi việc đã qua, cô chia sẻ với tạp chí Nam Phương cuối tuần cảm giác lúc ấy: “Cứ như đang đi vào tuyệt lộ, chỉ còn một con đường chết, không có ai có thể giúp bạn”.
Cũng có người vì tuyệt vọng mà buông xuôi. Mẹ của Trương Tử Thuyên sau khi bị chẩn đoán nhiễm COVID-19, bệnh viện yêu cầu cách ly ở nhà. “Tôi có cảm giác như họ muốn chúng tôi tự sinh tự diệt vậy”, cô Thuyên kể. Mẹ cô sốt cao 9 ngày nhưng không muốn uống thuốc, nói muốn chết, giờ sống không còn ý nghĩa. Cô Thuyên cũng không phản ứng, cha cô cũng không lên tiếng, cứ như mọi người đều chấp nhận sự thật đau lòng.
Cô bé tên Ân Ân
Ngày 28-1, anh An xuất viện, anh là ca bệnh COVID-19 thể nặng đầu tiên được xuất viện.
Ngày 29-1, được khu phố giúp đỡ, em dâu của Vương Dật được nhập viện ở một bệnh viện đa khoa. Cô đã sinh một bé gái, là người duy nhất trong nhà không nhiễm bệnh. Đứa bé được đặt tên Ân Ân, với mong muốn ghi nhớ công ơn những người đã giúp đỡ họ.
Còn mẹ cô Lệ Na – người “khua chiêng cứu mẹ”, ngày hôm sau cũng được Bệnh viện Hán Dương tiếp nhận. Mấy ngày sau đó, Lệ Na cũng nhiễm COVID-19 và được đưa vào bệnh viện dã chiến. Cô quyên tặng máy thở cho Bệnh viện Hán Dương, vì mẹ cô được nhập viện có người chăm sóc nên muốn giúp đỡ những người khác.
Cuối cùng, mẹ cô Thuyên cũng được nhập viện, bệnh tình chuyển biến tốt, còn cô được đưa đến cách ly ở khách sạn. Nhưng qua sự việc này, nhiều thứ đã thay đổi trong cô, vì cô phát hiện cuộc sống trước đây của mình mới mong manh làm sao, tiền đồ là thứ quá xa xỉ. Từ một cô gái hoạt bát, thích trang điểm, giờ cô trở nên trầm tư.
Nhưng cô cho biết sau khi cách ly sẽ tham gia đội tình nguyện chăm sóc người già. Khi cô Thuyên lên mạng nói về nỗi đau của người Vũ Hán, có người chỉ trích cô gây khủng hoảng dư luận. Cô thì cho rằng mình chỉ muốn nói lên sự thật để những người dân đừng chết vô ích.
“Họ chính là những người mỗi ngày đi ngang qua tôi, cùng tôi xếp hàng mua trà sữa, tán gẫu khi đi chợ; còn giờ đây, chúng tôi, họ, đều trở thành nạn nhân dịch bệnh COVID-19, thậm chí trở thành người chết hoặc người khóc lóc chạy theo những chiếc xe tang. Tôi không thể chấp nhận điều đó”, cô chia sẻ với Nam Phương cuối tuần. ■
Nỗi đau tinh thần
Nỗi sợ COVID-19 đã khiến tâm lý và tinh thần là một vấn đề lớn với thành phố Vũ Hán. Hơn một tháng qua, người dân ở đây sống trong buồn đau, lo lắng, khổ sở. Chính quyền đã thiết lập hơn 10 đường dây nóng với hàng ngàn nhân viên tư vấn hỗ trợ tâm lý cho họ. Ngày 23-1, Hiệp hội Bác sĩ tâm lý tỉnh Hồ Bắc mở đường dây nóng tư vấn miễn phí. Hội trưởng – bác sĩ Tiêu Kính Tùng, cho biết chỉ ba ngày đầu có đến hơn 100 cuộc điện thoại gọi đến, đều là từ những người dân lúng túng không biết phải làm gì. Khi Vũ Hán “phong thành”, họ cảm giác như tai họa sắp ập đến, đã ở trên bờ vực. Có người cảm thấy bị bỏ rơi, có người định ly hôn, có người bệnh không biết khám ở đâu, bệnh nhân nan y không mua được thuốc… Theo một cuộc điều tra năm 2006, trong số những người bị cách ly thời dịch bệnh SARS, rất nhiều người bị rối loạn căng thẳng hậu sang chấn tâm lý (PTSD) nhiều dạng, 31% mắc chứng trầm cảm. Nhà văn Phương Phương sống ở Vũ Hán khi trả lời phỏng vấn của Trung Tân Xã cho biết người dân Vũ Hán đều chịu sự tổn thương tâm lý, chính cô cũng định tìm bác sĩ tâm lý. Khi Vũ Hán gỡ lệnh “phong thành”, người dân rồi sẽ được tự do nhưng nhất định sẽ có người vui kẻ buồn. Những gia đình có người thân từ trần sẽ rất đau khổ, nỗi đau mất đi người thân chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Nữ bác sĩ Trương Kế Tiên, người phát hiện ca COVID-19 đầu tiên, từng chia sẻ bà đã “khóc hết nước mắt của một đời người” khi nhìn thấy lần lượt từng bệnh nhân qua đời, vật tư thiếu thốn, còn mình thì đã vắt kiệt sức. Chỉ tới khi tư vấn cho người dân Vũ Hán, Yên Quân – tình nguyện viên tâm lý khu Hồng Sơn – mới bắt đầu hiểu được câu nói của bác sĩ Trương. Cô phát hiện người Trung Quốc đều sợ nói đến cái chết nên không có một sự chuẩn bị tâm lý. |