Nghiên cứu vaccine: Từ lợi nhuận đến lợi ích quốc gia
Hôm 20-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tính đến thời điểm đó đang làm việc với các nhà khoa học khắp thế giới nghiên cứu ít nhất 20 loại vaccine SARS-CoV-2 khác nhau, với một số nghiên cứu đi đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trong thời gian ngắn kỷ lục – chỉ 60 ngày từ khi trình tự gen của virus corona chủng mới được công bố.
Theo tiến sĩ Maria Van Kerkhove – trưởng nhóm kỹ thuật chương trình khẩn cấp của WHO, tiến độ này một phần là nhờ giới khoa học đã có sẵn các nghiên cứu trên virus corona trước đó, khi xảy ra dịch hô hấp cấp SARS ở Trung Quốc giai đoạn 2002-2004 và hội chứng hô hấp Trung Đông MERS, bắt nguồn từ Saudi Arabia năm 2012. SARS-CoV-2 có khoảng 80-90% cấu trúc gen giống virus gây SARS.
Ngày 16-3, Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ và Công ty công nghệ sinh học Moderna tiến hành giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên 45 người (18-55 tuổi) ở thành phố Seattle, bang Washington. Cùng ngày, Trung Quốc cũng tiến hành thử nghiệm tương tự trên 108 tình nguyện viên (18-60 tuổi), tất cả đều là công dân Vũ Hán.
Tuy vậy, vẫn còn lâu cho đến khi có vaccine trên thị trường. Sau nghiên cứu lâm sàng là các kiểm nghiệm để phê duyệt tính an toàn của sản phẩm, quy trình thường mất đến 18 tháng. Một quan chức khác của WHO, Michael Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp, nói trong cuộc phỏng vấn với chương trình Andrew Marr Show của Đài BBC hôm 22-3 phải đợi thêm ít nhất 1 năm mới có vaccine.
Lãng phí từ quá khứ
Giới khoa học từng nghiên cứu vaccine ngừa virus corona vào thời SARS và MERS, lẽ ra mọi thứ phải dễ dàng hơn trong cuộc chiến với virus corona chủng mới chứ? Trong chương trình 60 phút phát ngày 22-3, Đài CBS News đặt câu hỏi này với tiến sĩ Angela Hewlett, giám đốc y khoa bộ phận an toàn sinh học thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Nebraska. Câu trả lời là giới khoa học đã lãng phí cơ hội ứng dụng các công trình về SARS và MERS cho COVID-19, nguyên nhân là một vấn đề dai dẳng trong nghiên cứu vaccine: tiền và lợi ích.
Theo tiến sĩ Hewlett, các vaccine cho cả SARS và MERS đều đã đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, và lẽ ra đã có thể giúp giới khoa học chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch lần này, song thời điểm đó có quá ít bệnh nhân để các nghiên cứu nói trên về đích. Rất khó để thử nghiệm lâm sàng vaccine nếu không có đủ số bệnh nhân.
“Khi bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng, có thể dịch bệnh vẫn đang diễn ra, song khi bắt đầu quá trình tăng tốc để về đích thì dịch đã qua đỉnh và không còn nhiều ca nhiễm nữa” – Hewlett giải thích.
Các thử nghiệm lâm sàng cần diễn ra trong ít nhất 1 năm, song bản chất khó lường trước của dịch bệnh có thể khiến các nghiên cứu phải ngưng giữa chừng nếu khủng hoảng dịch tễ kết thúc, và chỉ khởi động lại khi có đợt bùng phát kế tiếp.
Vấn đề cốt lõi ở đây là khi dịch bệnh giảm nhiệt, mối quan tâm về việc tài trợ cho nghiên cứu vaccine cũng nguội lạnh theo. Giải pháp cho vấn đề này, theo Hewlett, là việc tài trợ nghiên cứu vaccine không nên chỉ tiến hành khi dịch bệnh đang diễn ra mà phải nghĩ đến lợi ích lâu dài hơn – vẫn tiếp tục tài trợ kinh phí ngay cả khi dịch đã kết thúc. Duy trì nghiên cứu vaccine ngay cả khi không còn dịch bệnh sẽ giúp tránh việc phải bắt đầu lại từ con số 0 khi có dịch mới xảy ra.
Trong bài “Lợi nhuận đã làm cuộc chiến tìm vaccine virus corona khó khăn hơn ra sao?” trên The Guardian đầu tháng 3, tác giả Stephen Buranyi chỉ ra một thực tế đáng buồn hơn: ngoài SARS và MERS, thế giới trong 20 năm qua đã kinh qua nhiều dịch bệnh khác như Zika, Ebola, mỗi dịch bệnh đều kích hoạt cuộc đua tìm vaccine, nhưng kết quả là gì? Chỉ có cuộc đua tìm vaccine Ebola là về đích. Eboba bùng nổ năm 2014 và vaccine cho bệnh này chỉ mới được phê chuẩn năm ngoái.
Vì sao lại thế? Theo Buranyi, vaccine ngoài việc phải vượt qua cả rào cản khoa học lẫn các quy định về lưu hành như các phương thuốc khác thì còn phải chịu một bất lợi: các thị trường chủ đạo của ngành công nghiệp dược phẩm gần như không hề hứng thú với sản phẩm khó nhằn này.
Vaccine là cuộc chơi của một nhóm thiểu số các công ty lớn có khả năng tham gia quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất từ khâu đầu tiên đến khi kết thúc, một phần vì chi phí cực cao và thời gian nghiên cứu kéo dài.
Vaccine virus HPV, nguyên nhân gây nhiễm trùng qua đường tình dục, của Merck mất gần 20 năm nghiên cứu trước khi đưa ra thị trường hồi năm 2006, và cho đến nay vẫn mang lại doanh thu 1 tỉ bảng Anh mỗi năm cho hãng. Nhưng quá trình nghiên cứu lâu đến vậy và lợi ích kinh tế lớn đến thế không thể áp dụng cho bệnh dịch.
“Trừ khi có thị trường lớn, nếu không các công ty lớn cũng thấy không đáng để nhảy vào vaccine – Adrian Hill, trưởng chương trình ứng phó với Ebola của Anh, nói với báo Independent năm 2014 – Không có lợi ích kinh doanh nào để chế tạo vaccine Ebola cho người cần nó nhất”.
Angela Hsieh for NPR |
Một cuộc đua khác
Khi dịch Ebola gieo rắc kinh hoàng ở Tây Phi những năm 2014-2016, Na Uy, Anh và một số quốc gia khác, đa số là châu Âu, cùng quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates đã đóng góp hàng triệu USD cho Coalition for Epidemic Preparedness Initiatives, liên minh đứng ra tài trợ cho nghiên cứu vaccine. Liên minh này hiện cũng đã tài trợ cho 8 ứng viên sản xuất vaccine virus corona tiềm năng nhất.
Các khoản tài trợ này đều được chi với điều kiện nhà sản xuất vaccine phải cam kết vaccine sẽ đến được với người cần chúng để ngăn chặn một đợt bùng phát hoặc giảm tác động của dịch bệnh, bất chấp họ có khả năng chi trả hay không.
Tiếp cận vaccine bình đẳng là vấn đề đang bị thách thức bởi Mỹ, Trung Quốc và châu Âu chạy đua vũ trang để là nước đầu tiên chế tạo được vaccine ngừa virus corona, hay “mang yếu tố dân tộc chủ nghĩa vào một cuộc khủng hoảng toàn cầu”, như bình luận của New York Times ngày 19-3.
Mỹ, Trung Quốc và châu Âu trên thực tế có hợp tác với nhau ở nhiều cấp, trong đó có hợp tác giữa các công ty vốn là đối thủ của nhau. Song, phủ bóng lên nỗ lực tìm vaccine cho một đại dịch toàn cầu, theo New York Times, là lối tiếp cận mang tính dân tộc của các quốc gia này – do lẽ nước đầu tiên sản xuất được vaccine sẽ có thể ưu ái hơn cho công dân nước mình, và nhiều khả năng sẽ có lợi thế khi phải giải quyết các thách thức kinh tế và địa chiến lược do khủng hoảng COVID-19 gây ra.
Câu hỏi ai sẽ là chủ nhân của danh tiếng khoa học, bằng sáng chế và cuối cùng là doanh thu từ việc bào chế vaccine thành công bỗng dưng trở thành một vấn đề mang tầm an ninh quốc gia.
Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc cạnh tranh này không có gì là phi lành mạnh, miễn là thành quả được chia sẻ chung với cả nhân loại – điều này thì không quá lo bởi khó có khả năng một quốc gia giữ khư khư vaccine cho riêng mình.
Song, cần xét đến một thực tế trần trụi: bất kỳ vaccine nào có khả năng ngừa virus corona chắc chắn sẽ gặp ngay tình trạng khan hàng, do lẽ các chính phủ sẽ cố gắng giành quyền ưu tiên để công nhân nước họ sẽ được tiêm đầu tiên.
Điều này không phải không có tiền lệ: trong dịch cúm A-H1N1 năm 2009, một công ty ở Úc phát triển được vaccine đã được yêu cầu phải giải quyết nhu cầu trong nước trước khi đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và nơi khác.