Nhìn lại một trận dịch thời Trung Cổ: Vì sao có những vùng thoát hiểm?
Bức tranh vẽ năm 1349 trong thời gian dịch “Cái chết đen” mô tả cảnh người dân thành phố Tournai – nay thuộc Bỉ – đang mang quan tài bệnh nhân đi chôn. Đây là một trong những tài liệu bằng hình cổ nhất nói về dịch bệnh nằm trong quyển từ điển bách khoa toàn thư thế kỷ 14 có tên Omne Bonum. |
“Cái chết đen” là một kẻ giết người tàn nhẫn. Nó làm người ta sưng viêm và chết trong đau đớn. May mắn thì được chết nhanh chóng, may mắn hơn nữa thì “trưa đi ăn với bạn bè, rồi tối đi ăn với ông bà tổ tiên trên thiên đường”, theo ngôn từ của nhà văn Giovanni Boccaccio, người đã sống qua đợt dịch đầu tiên càn quét nước Ý trong những năm 1340.
Bệnh dịch tấn công gần hết châu Âu trong một quãng thời gian tương đối ngắn, làm chết 2/3 số bệnh nhân. Ước tính chỉ trong vòng 5 năm (1347-1352), khoảng 25-30 triệu người, tức 1/3 dân số châu Âu thiệt mạng. Thủ đô Paris của Pháp vào đỉnh dịch mỗi ngày chôn 800 người chết. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những vùng nay thuộc Ý, nơi các thành phố phồn vinh như Venice và Pisa mất đến 3/4 dân số, Florence thời điểm đó mất 50.000-85.000 dân.
Không được giải thích về bệnh dịch và không được chữa trị kịp thời, người dân châu Âu đã quay sang cầu xin Chúa Trời cứu giúp. Khi nhà nước và nhà thờ bất lực trước dịch bệnh, lòng tin vào các thể chế chính trị và tôn giáo này suy giảm và các cộng đồng mất phương hướng quay sang đổ lỗi cho các sắc dân ngoại lai là nguồn gây dịch bệnh. Bị quy là những kẻ truyền nhiễm, người Do Thái đã bị thiêu sống như nhà sử học người Pháp đương thời Gilles Li Muisis mô tả trong một quyển sách lịch sử.
Nguồn lây lan còn bí ẩn
Phải mất đến 200 năm, châu Âu mới phục hồi mức dân số như trước khi xuất hiện bệnh dịch. Nhưng cho đến nay, nguyên nhân gây nên dịch “Cái chết đen” vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các ghi chép đương thời cho thấy người chết trong trận dịch có những triệu chứng như sưng hạch, xuất huyết và viêm phổi. Điều này dẫn đến các kết luận rằng đây là sự lây lan của bệnh dịch hạch với ba thể thường thấy là thể bạch huyết, thể phổi và thể nhiễm khuẩn máu.
Được công bố vào năm 2010-2011, kết quả phân tích các mẫu tủy răng của những bộ hài cốt tìm thấy trong nhiều hố chôn tập thể thế kỷ 14 ở miền Bắc, Nam và Trung Âu đã cho thấy dấu vết của khuẩn gây bệnh dịch hạch Yersinia pestis. Năm 2014, các phân tích DNA lấy từ 25 bộ xương từ thế kỷ 14 khai quật tại khu vực Charterhouse Square ở London còn cho thấy những người Trung cổ này chết vì một chủng Yersinia pestis rất giống với chủng đã từng tấn công đảo Madagascar năm 2013.
Từ đó nhiều nhà khoa học chấp nhận giả thiết rằng mầm bệnh dịch hạch được những con chuột mang từ Trung Á sang châu Âu trên các chuyến hàng giao thương từ những năm 1330. Lây nhiễm bắt đầu khi bọ chét nhiễm Yersinia pestis từ chuột trở nên hung hăng và cắn người rồi làm bệnh dịch bùng phát. Tuy nhiên, thiếu các bằng chứng khảo cổ về xương chuột thế kỷ 14, giả thiết “Cái chết đen” là một đợt lây lan dịch hạch vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục giới khoa học.
Cũng trong quyển Omne Bonum có bức tranh minh họa cho cảnh mà nhà sử học Pháp Gilles Li Muisis từng mô tả về việc cư dân của một thị trấn Pháp thiêu sống những người Do Thái, bị quy cho là nguồn lây dịch “Cái chết đen”. |
Những thay đổi lịch sử
Trận dịch thế kỷ 14 đã để lại ở Na Uy nhiều địa danh gọi là Ødegård (trang trại bỏ hoang) còn tồn tại đến ngày nay. Trên toàn châu Âu, “Cái chết đen” còn gây ra các tác động sâu rộng hơn nhiều: tử vong quá cao đã khiến nhân lực thiếu hụt trầm trọng, buộc giới chủ phải tăng lương để thuê người. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân thay vì phải trả tiền cho địa chủ để có đất ở và canh tác như trong suốt hàng thế kỷ trước, nay đã bắt đầu đòi được trả công cho việc trồng trọt.
Từ đó, chế độ nông nô chấm dứt và một lực lượng lao động mới ra đời độc lập hơn, cơ động hơn. Sau trận dịch, các cuộc nổi dậy lớn của nông dân đòi cải thiện điều kiện sống và làm việc xuất hiện khắp châu Âu, như ở Paris vào năm 1358, Florence vào năm 1378, London vào năm 1381. Dù không đạt được tất cả yêu sách, những cuộc bạo loạn này đã khiến tầng lớp quý tộc châu Âu phải đánh giá lại về tầng lớp dưới, chế độ phong kiến cũ phải nhường chỗ cho một hệ thống mới công bằng hơn.
Dân số giảm sau dịch “Cái chết đen” cũng làm giảm các cạnh tranh về đất đai và tài nguyên. Nhờ đó phúc lợi và sự sung túc của nông dân lại tăng lên. Đặc biệt là phụ nữ bắt đầu giành thêm được một số quyền về sở hữu tài sản mà trước đây họ chưa hề được hưởng. Chẳng hạn như ở một số vùng tại xứ England của Anh, những phụ nữ mất chồng đã được phép giữ đất của mình cho đến khi tái hôn, thậm chí có nơi cho phép phụ nữ tái hôn vẫn được giữ tài sản của người chồng quá cố.
Chú giải cho bản đồ:
Năm 1347, dịch Cái chết Đen tấn công Tiểu Á, các đảo Sicily, Sardinia và Corsica, các mũi thương cảng của Châu u như Marseilles ở Pháp, Calabria ở Ý, và mạn Nam của đất Turkish Thrace phần lãnh thổ thuộc châu Au của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Năm 1348, dịch bệnh đã lan rộng ở Châu u, đến tận các thủ đô như Madrid của Tây Ban Nha và Paris của Pháp. Đầu năm 1349, dịch lan tràn ở London, Frankfurt, và đe dọa Vienna, Bucharest. Đến cuối năm thì lan đến những vùng xa xôi hơn như Ireland, Na Uy. Năm 1350, dịch không ngừng tiến về phía Bắc, tân công Lübeck và Copenhagen, rồi hướng lên phía Bắc của Na Uy. Năm 1351 và các năm sau đó dịch hạch càn quét hết các vùng còn lại ở phía Bắc và “thống trị” gần như toàn bộ châu Âu. |
Bài học về dịch tễ
“Cái chết đen” không tấn công đồng đều trên khắp châu Âu. Một số ít nơi có tỉ lệ tử vong thấp hơn bình thường, chẳng hạn như những vùng nhỏ giữa Pháp và Tây Ban Nha trên sườn của rặng núi Pyrenees; một khu vực quanh thành phố Bruges nay thuộc Bỉ; một khu vực rộng lớn ở Đông Âu kéo dài từ Magdeburg cho đến Warsaw, nay phần lớn thuộc lãnh thổ Ba Lan; một khu vực ở Ý với Milan là trung tâm, chỉ mất khoảng 15% dân số trong trận dịch.
Một trong những điều giúp cho Ba Lan thoát khỏi việc bị tấn công trên diện rộng là do vua Ba Lan đương thời, Casimir Đại đế, đã quyết định đóng biên giới, cô lập Ba Lan với thế giới bên ngoài và cô lập các khu dân cư nhỏ trong nước với nhau. Tuy nhiên, cách thức cách ly tàn nhẫn của nước này không thể áp dụng cho ngày nay: xây gạch bít hết cửa nhà của các gia đình bị nhiễm bệnh để người bệnh chết trong nhà.
Một trong những yếu tố tự nhiên khác là từ Praha đến Krakow mất tám ngày đi ngựa, trong khi một người nhiễm bệnh chỉ mất 24-72 giờ để phát bệnh và chết. Vì vậy, những người có bệnh đều không thể sống nổi đến lúc tiến đến biên giới Ba Lan. Song song với giả thiết về dịch hạch đã gây ra trận dịch “Cái chết đen”, có giả thiết cho rằng việc mèo được nuôi phổ biến ở Ba Lan hơn các nơi khác ở châu Âu đã góp phần hạn chế số chuột và các ca lây nhiễm.
Giống như Ba Lan, khu vực Pháp – Tây Ban Nha tương ứng với Vương quốc Navarre lúc bấy giờ cũng có các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và nhờ đó tránh được sự càn quét khốc liệt của bệnh dịch. Nhưng vì sao vùng quanh Bruges khi đó là một thương cảng sầm uất kết nối với Địa Trung Hải lại không bị bệnh dịch tấn công, cho đến nay đó vẫn còn là một điều bí ẩn. Dù vậy, bài học dịch tễ lớn nhất có thể rút ra từ việc nhìn lại một trận dịch kinh hoàng của thế kỷ 14 vẫn là phong tỏa biên giới và cách ly nghiêm ngặt.