Một số lời giải đáp của ngài Lạt-ma Ole Nydahl
Hỏi: Bộ não của một người có liên hệ thế nào với tâm của người ấy?
Đáp: Có nhiều thông tin thú vị về đề tài này. Nhiều năm trước, một nữ giáo viên người Na Uy bị ngã vào nước băng khi đang trượt tuyết. Sau 6 đến 7 giờ dưới nước băng, nhiệt độ thân thể của cô đo được 7,30C. Đây là nhiệt độ cơ thể thấp nhất để một người có thể hồi sinh. Sau khi cô được hồi sức, vị nữ bác sĩ săn sóc cô viết chi tiết về trải nghiệm của bệnh nhân ấy. Bệnh nhân được ra viện hầu như không có vấn đề gì. Mắt cá chân của cô chỉ bị hạn chế khi vận động vì các dòng thần kinh bị tổn thương. Vị bác sĩ nhìn vào các ghi chú của bà, quyết định rằng chúng thật lạ kỳ rồi ném bỏ chúng. Đây là một mất mát lớn của khoa học. Cũng vào năm ấy, một thiếu niên Estonia bị ngã vào nước băng, hồi sức sau khi được làm ấm, nhưng tôi không thể tìm thấy thông tin nào về sự việc này.
Tuy nhiên, hoàn toàn rõ ràng rằng não bộ không bị hư hại như ta nghĩ. Điều quan trọng nhất mà chúng ta học được từ những trường hợp này là Tâm không phải do
não bộ tạo ra. Não bộ không phải là một máy phát thanh; đúng hơn, là nó là một máy thu thanh. Do đó, dòng ý thức di chuyển từ đời này đến đời sau, tích tập những ấn tượng mới định hình cho sự hiện hữu kế tiếp của nó. Quá trình này vẫn tiếp diễn từ vô thỉ. Đặc tính thọ nhận những ấn tượng là rất quan trọng. Nếu chúng ta làm điều tốt đối với những người khác thì điều này sẽ làm đầy tâm chúng ta bằng những ấn tượng đưa đến hạnh phúc hay những hoàn cảnh hạnh phúc về sau. Và nếu chúng ta làm những điều gây hại, tiêu cực đối với những người khác thì điều này sẽ thể hiện những hoàn cảnh khổ đau về sau – ngay bây giờ, chúng ta đang tạo những hoàn cảnh định hình cho những gì chúng ta sẽ trải nghiệm sau khi chết và trong đời sống kế tiếp. Những gì chúng ta đưa vào trong tâm chúng ta sẽ trở lại với chúng ta.
H: Điều gì xảy ra cho tâm khi một người bị mất trí nhớ và sa sút trí tuệ?
Đ: Ngày nay các khoa học gia khám phá ra rằng não bộ không phải là một radio phát thanh mà là một radio thu thanh. Nó không tạo ra tâm; đúng hơn, nó biến đổi tâm và chuyển tâm đi. Và dù cho cái radio phát thanh này bị hư hại do kết quả của quá trình lão hóa của chúng ta, các sóng radio vẫn tồn tại. Dù cho máy truyền dẫn chỉ bắt được một kênh và nhiều tiếng ồn, tất cả các chương trình vẫn tồn tại trong các sóng. Và nếu máy truyền bị rơi hay vỡ, dòng thức vẫn tiếp tục tồn tại, sau đó mới kết với một bào thai trong tử cung của một người mẹ mới. Thật đáng nhớ khi ta đến thăm một người thân cao tuổi bị sa sút trí tuệ hoặc đã trải qua phẫu thuật não. Những người này không thể hiện được tiềm năng của họ, nhưng họ đã không bị mất gì cả. Do đó, hãy hành xử với những người như thế một cách kính cẩn – trong hoàn cảnh này họ biết những gì đang xảy ra, dù họ không thể hiện gì được.
H: Xin ngài bàn về lời tuyên bố rằng một ý nghĩ là thuộc vật chất, và rằng bằng cách tạo ra một hình ảnh trong óc chúng ta, chúng ta có thể làm cho nó trở thành thực tế.
Đ: Nếu chúng ta quyết định làm một người tốt, thì sau một lát chúng ta thực sự trở thành người ấy ư? Tôi vừa đọc một bài báo bảo rằng các bộ phận não của một tài xế taxi chịu trách nhiệm lúc càng lớn về việc điều khiển xe, dù bộ phận ấy đã đủ lớn. Những ý nghĩ của chúng ta ảnh hưởng đến thế giới; và thế giới cũng ảnh hưởng đến những ý nghĩ của chúng ta.
H: Tại sao các bệnh tâm thần xuất hiện?
Đ: Phật giáo đã có một sự phân loại về các bệnh tâm thần. Loại thứ nhất là tâm thần phân liệt (schizophrenia), khi chúng ta tự để cho mình lông bông một cách vô ích mà không tạo niềm vui, không làm gì có sức mạnh hay có ý nghĩa, và các năng lực tìm cho được một thân thể có thể đến cư ngụ trong chúng ta. Chúng ta có thể tự bảo vệ mình khỏi điều ấy bằng các hành vi thiện và bằng một khiếu hài hước. Loại thứ hai là khi được đổ đầy bằng những ấn tượng tiêu cực, cái tâm tự nhìn vào nó và thấy có gì đó nó không thích. Kết quả là sợ hãi và hoang tưởng xuất hiện. Một trong những nguyên
26 VÙN HOÁA PHÊÅT GIAÁO 15 – 7 – 2020
nhân của bệnh tâm thần có thể là do ma túy và rượu mà chúng ta đã sử dụng trong một đời quá khứ. Một lý do khác nữa có thể là do ma túy và rượu chúng ta đã sử dụng trong đời này làm hư hại não bộ của chúng ta.
H: Các vị thầy giải thích thế nào về bản chất của bệnh tự kỷ. Vì sao số trường hợp tự kỷ gia tăng trên thế giới?
Đ: Theo như tôi biết, bệnh tự kỷ xuất hiện khi bán cầu phải của não hoạt động rất tệ trong khi bán cầu trái lại phát triển rất mạnh. Bán cầu phải có trách nhiệm về những cảm thọ và cảm xúc trong khi bán cầu trái lại chuyên về các sự kiện. Cũng có những người được gọi là nhà thông thái. Họ rất hướng nội nhưng họ thường có những khả năng tối ưu. Ví dụ, một người Mỹ thuộc loại này nhớ tên của từng ngôi làng ở Hoa Kỳ và nhớ từng khoảng cách giữa các ngôi làng ấy. Hình như cuộc đời gồm những dấu hiệu từ hai phía phải và trái của não bộ mà khi chúng giao thoa sẽ gây rối cho nhau, nhưng lại làm cho chúng ta có nhân tính. Bán cầu trái của não gởi nhiều thông tin trong khi bán cầu phải muốn chế ngự nó và gởi đi sự tô vẽ màu sắc cho những cảm xúc. Đáp lại, phía trái lại gửi các thông tin – và cứ như thế, cả hai bán cầu tương tác với nhau. Những người có bán cầu phải yếu có thể nhớ một lượng lớn về thông tin. Và những người có bán cầu phải mạnh trở thành những người quá cá tính và quá nhạy cảm.
H: Đã nhiều năm, hàng ngày tôi hút cần sa. Giờ đây tôi đã ngưng hút được một năm, nhưng trí nhớ của tôi vẫn không hoạt động tốt. Các danh xưng và các thuật ngữ Phật giáo chỉ tồn tại trong trí nhớ của tôi tối đa là mười lăm phút.
Đ: Có một số vùng ở thùy trán của não bộ của chúng ta không gửi tín hiệu trong nửa năm sau khi bạn ngưng hút cần sa. Tôi từng trải qua chín năm của đời tôi trong tình trạng này. Và rất có thể ngày nay tôi đã thông minh hơn nếu tôi từng uống bia thay vì hút cần sa. Hút xách gây hại cho não bộ. Điều ấy đặc biệt tệ hại vì người ta thường quen lẩn tránh những khó khăn và rồi như một con lươn – chui lủi.
H: Tôi bị trầm cảm lâm sàng và phải dùng thuốc chống trầm cảm. Tôi có thể tiếp tục lễ lạy được không?
Đ: Được chứ. Nếu bạn vận động cơ thể thay vì nằm bẹp trên giường giống như cọng rau luộc, bạn sẽ vượt khỏi trầm cảm nhanh hơn. Sự vận động giúp tâm thức tách khỏi những ấn tượng tiềm thức. Nói chung, mọi bệnh tật vật lý lẫn tâm lý đều là những kẻ thù, và chúng cần phải bị tiêu diệt bằng mọi phương tiện. Chớ nghĩ rằng nếu bạn chịu đau khổ càng lâu thì sự thanh tịnh của bạn càng sâu đậm. Chẳng có gì cao quý trong đó cả. Nó giống như bị rắn cắn – điều bất hạnh đã xảy ra rồi và giờ đây người ta cần mọi nỗ lực để khắc phục hậu quả. Chiến đấu, đánh lại bệnh tật bằng mọi phương tiện có được. Hãy thoát khỏi nó, hãy đá vào đít nó.
H: Chúng ta có nên khuyên một người đến tham vấn một nhà tâm lý học nếu người ấy có những vấn đề cá nhân không?
Đ: Nếu người ta cần một nhà tâm lý học thì dĩ nhiên ta khuyên như thế, nếu ai đó cần thuốc trị thì hãy để cho họ dùng thuốc, vì họ cần càng ít đau càng tốt. Phật giáo lại dành cho những người khỏe mạnh.
H: Vấn đề không phải là những người bệnh mà là những người chỉ đơn giản muốn làm cho họ tốt hơn và giải quyết những vấn đề nào đó của họ.
Đ: Nếu giúp được họ thì hãy giúp. Tuy nhiên, có thể họ chỉ đơn giản muốn đi dự tiệc và tìm một phụ nữ hào hoa sẵn sàng giúp đỡ. Một số người thực sự cần thố lộ những vấn đề của họ. Nhưng Phật giáo xử lý với những thứ khác. Các Phật tử nói: “Vấn đề này đã không hiện hữu trước đây và sẽ không hiện hữu sau này. Thế thì tại sao phải lo lắng về nó ngay bây giờ?”.
H: Trước đây có những Phật tử đã từng tham gia nhiều khóa học tâm lý, được nghe một số chỉ dẫn của các nhà tâm lý trị liệu, kể cả những người đã thực hành xong phép tu Thiền Ngondro của Mật tông Tây Tạng. Ngài nghĩ thế nào về điều này? Tại sao điều này xảy ra?
Đ: Tôi đã nói về điều này, một học viên của tôi đã từng mở nhiều khóa học là Michael Fuchs, và điều này chứng tỏ rằng những khóa học ấy chỉ chuyên nhắm cho các nhà doanh nghiệp. Tôi khuyên mọi người chớ chơi với điều này, vì trong các trung tâm của chúng tôi, người ta học cách tập hợp các quan điểm nhị nguyên – tốt/xấu, hữu/vô – với một một kiến giải phi nhị nguyên về cả hai/và. Người ta học cách xử lý với cái tuyệt đối và cái tương đối cùng một lúc, và không cần phải tạo cho chúng một cấp độ trung gian khác, điều này có một mục đích hoàn toàn khác. Nếu bạn chấp nhận một hệ thống nhị nguyên vốn không cần thiết đối với công việc của bạn thì nó sẽ chỉ gây rối rắm cho bạn mà thôi. Không cần làm phức tạp đời bạn.
Về việc các Phật tử tham vấn các nhà tâm lý trị liệu, tôi chỉ có thể mong họ được may mắn. Tôi từng gặp nhiều nhà tâm lý học biết cách giúp đỡ người ta, và tôi vẫn nghĩ rằng các nhà tâm lý học đến với Phật giáo thường xuyên hơn những Phật tử đến với khoa tâm lý học. Thường thì các Phật tử và các nhà tâm lý học làm việc với nhau.
H: Chúng ta có thể làm thế nào để phát triển sự tôn trọng những người khác?
Đ: Hãy cố gắng hiểu rằng mọi người đều có Phật tánh. Mọi thứ mà bạn nhìn thấy trong mọi người là những gì đẹp nhất thì những thứ ấy gần gũi nhất với bản tính chân thật của họ. Cũng vậy, hãy cố hiểu rằng giác tính của họ tỏa sáng liên tục, trong khi những khuyết điểm của họ thì giống như những đám mây bay qua. Hãy nghĩ rằng mọi người đang mang một túi vàng trong tay này và một túi cát trong tay kia. Hãy tự hỏi rằng bạn muốn họ chia sẻ với bạn: vàng – những hành vi có ý nghĩa tốt – hay cát? Hãy vui khi những người khác làm điều tốt.
Nửa năm trước các nhà khoa học đã khám phá ra một hiện tượng mà họ gọi là “các tế bào thần kinh gương” (mirror neurons). Điều này chứng tỏ rằng các
tế bào thần kinh chuyên chở những ấn tượng nhận được trong quá trình nhận thức đến các bộ phận của não bộ tại nơi mà chúng được sử dụng. Bằng cách này, chẳng hạn, người ta có thể chơi bóng đá chỉ bằng cách quan sát những người khác chơi bóng đá như thế nào. Nếu bạn muốn có điều tốt đẹp gì mà những người khác đang làm thì bạn cũng sẽ hấp thụ được điều ấy. Điều ấy tốt cho bạn và cho họ – mọi sự trở nên phong phú hơn.
H: Khi các trẻ tám tuổi lưu tâm đến Phật giáo, chúng ta có thể giảng dạy cho chúng như thế nào?
Đ: Chúng ta không nên áp đặt bất cứ điều gì. Khả năng duy nhất mà một đứa trẻ sẽ trở thành một Phật tử thuần thành là sự tự hào của nó về cha mẹ nó. Hãy nêu gương tốt. Hãy chứng tỏ cho các con bạn rằng bạn có thể trả lời những câu hỏi mà các bậc cha mẹ khác không thể trả lời, hãy chứng tỏ rằng bạn có một cuộc đời có ý nghĩa, hạnh phúc. Trẻ con thông minh hơn bạn tưởng và nhạy cảm hơn nhiều. Lại nữa, hãy cho phép chúng ở bên bạn khi bạn đang thiền định, vì trẻ con thích những làn sóng não mà chúng ta tạo trong thiền định.
H: Làm sao để thiền định của chúng ta mang lại hạnh phúc cho những người không thiền định?
Đ: Chúng ta trở thành một tấm gương tốt, cư xử tốt hơn và cũng có thể nói những điều thông tuệ. Tất cả chúng ta đều ảnh hưởng lẫn nhau. Hòa hợp với chính mình, khi đi bộ trên đường phố bên cạnh một người có bệnh thần kinh, chúng ta cũng mang lợi lạc cho người ấy. Người ta cảm nhận được sự tĩnh lặng trong tâm chúng ta. Khi chúng ta thiền định, mèo, chó và trẻ con đều đến với chúng ta. Vì trong tiềm thức chúng được những sóng alpha và theta do các não bộ an lạc của chúng ta sản sinh ra.
Chú thích:
Masha Chlenova dịch sang Anh ngữ từ bản Nga ngữ. Bản Anh ngữ này được trích từ Buddhism Today, số 43, Xuân và Hạ 2019. Bản gốc từ Nga ngữ của Buddhism Today.
Lạt-ma Ole Nydahl là một trong số ít người phương Tây được công nhận là một Lạt-ma và Thiền sư theo truyền thống Phật giáo Karma Kagyu. Năm 1972, sau khi hoàn tất 3 năm tu tập thiền định chuyên tâm, Lạt-ma Ole bắt đầu giảng dạy Phật pháp ở châu Âu theo yêu cầu của Đức Gyalwa Karmapa Rigpe Dorje thứ 16, vị lãnh đạo tinh thần của trường phái Karma Kagyu của Phật giáo Tây Tạng. Là một Lạt-ma chính thống, gần như mỗi ngày ngài từng qua nhiều thành phố, nhiều nơi trên thế giới. Sự hiểu biết sâu rộng của ngài và những giáo lý sinh động của ngài thu hút hàng ngàn người ở Bắc và Nam Mỹ, Vương quốc Liên hiệp Anh, châu Âu, Úc, New Zealand, Nga và châu Á.