Việt Nam và Hàn Quốc: Những điểm gặp gỡ trong quỹ đạo lịch sử (kỳ 2)

Việt Nam và Hàn Quốc: Những điểm gặp gỡ trong quỹ đạo lịch sử (kỳ 2)

Những hoàn cảnh xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa Phùng Khắc Khoan (1528-1613) và Lý Túy Quang [Yi Su Gwang] (1563–1628), hai sứ thần trong phái bộ Đại Việt và Triều Tiên [Choson] đến triều cống Bắc Kinh thực sự đáng được tìm hiểu.


Sứ thần Đại Việt (mãng bào trắng) và sứ thần Triều Tiên (bên phải ảnh) trong họa phẩm “Vạn quốc lai triều đồ” (1761) thời Thanh. Nguồn: Sina.

Hệ thống triều cống

Hệ thống triều cống mà chúng ta biết đến nhiều nhất được thiết lập dưới thời Minh Thái Tổ vào năm 1368. Khi đó, sứ giả được cử đến các nước như Triều Tiên, Việt Nam, Champa và Nhật Bản – và tất cả các nước này trừ Nhật Bản đã gửi lại triều cống vào năm 1369. Đây cũng chính là dịp Đại Việt được công nhận là một “Văn hiến chi bang”. Trong suốt triều Minh Thái Tổ (từ 1368 đến 1398), Champa đã gửi 19 đoàn sứ, Đại Việt 14 đoàn, Lưu Cầu 20 đoàn và Triều Tiên 20 đoàn. Năm 1400, hai năm sau khi Minh Thái Tổ băng hà, Triều Tiên được phép sang cống từ ba năm một lần lên đến một năm ba lần; và kể từ năm 1531 là một năm bốn lần. Trong khi đó, kể từ 1369 Đại Việt được triều cống ba năm một lần – chu kỳ này về cơ bản được duy trì ngoại trừ một số giai đoạn bất ổn.

Trong khi các sứ bộ của Triều Tiên chỉ phải vượt 950km để đến Bắc Kinh, khoảng cách từ Thăng Long đến Bắc Kinh là gần 2330 km. Do đó, vấn đề quan hệ giữa Trung Quốc và Đại Việt thường được giao cho Tổng đốc Lưỡng Quảng xử lý. Kể cả như vậy thì tình hình chính trị nội bộ vẫn thường làm gián đoạn hoạt động triều cống qua biên giới. Chẳng hạn, sau khi Mạc Đăng Dung giành quyền lực từ nhà Lê sơ vào năm 1527, ông đã tìm kiếm sự công nhận của nhà Minh nhưng chỉ được phong làm An Nam Đô Thống Sứ sau khi ông cắt nộp các phần đất tranh chấp cho Trung Quốc. Thế nhưng vào thời điểm được sắc phong, ông đang hấp hối và không thể nhận ấn tín. Những người kế vị của ông cũng bị từ chối sắc phong vì họ không thể đến cửa khẩu tại Lạng Sơn. Cuối cùng, vào năm 1581 khi một sứ thần triều Minh mang về cống phẩm của con trai và người kế vị Mạc Phúc Nguyên là Mạc Hậu Hợp (1560-1592), Hoàng đế Vạn Lịch [Minh Thần Tông] xuống chiếu phong ông làm An Nam Đô Thống Sứ bất chấp việc ông không đến cửa khẩu.

Cho đến thế kỷ XIX, cả người Việt và người Triều Tiên đều phê phán nhà Thanh. Dù ta không rõ liệu đó là do sự phân biệt sắc tộc này hay bởi vì cả Triều Tiên và Việt Nam đều tự hào rằng họ giữ gìn truyền thống Nho giáo tốt hơn người Mãn. Nhưng rồi Triều Tiên và Việt Nam lại thất bại trong việc chuẩn bị trước các cuộc xâm lược của Đế quốc Nhật Bản và Pháp, mà qua đó đã chấm dứt chế độ triều cống tồn tại hàng thế kỷ.

Mạc Hậu Hợp cũng là vua Mạc cuối cùng. Năm 1592, nhà Mạc bị đẩy ra khỏi Thăng Long và triều Lê được tái lập, cho dù giờ trở thành bù nhìn của Chúa Trịnh. Sứ bộ của Phùng Khắc Khoan là sứ bộ đầu tiên của triều Lê Trung Hưng đã phải trực tiếp đến Bắc Kinh nối lại quan hệ triều cống và giải quyết vấn đề địa vị của tàn dư họ Mạc vẫn còn cát cứ ở biên giới Cao Bằng. Ông chỉ thành công một phần: Vạn Lịch chỉ chấp nhận phong cho vua Lê làm An Nam Đô Thống Sứ chứ không phải An Nam Quốc Vương. Khi Phùng Khắc Khoan phản đối, vua Minh nói rằng đây chỉ là một biện pháp tạm thời xem xét đến tình hình bất ổn chính trị kéo dài của đất nước.

Nhiệm vụ của Lý Túy Quang cũng rất nặng nề. Năm 1592, Toyotomi Hideyoshi đã mở đầu cuộc xâm lược Triều Tiên, và Triều Tiên khi đó đã suy yếu sau nhiều năm ổn định đã chỉ có thể kìm chân quân đội Nhật Bản với sự hỗ trợ của nhà Minh. Sau vài năm hòa đàm cầm chừng, đến năm 1597, Hideyoshi phát động một cuộc xâm lược mới – hay còn gọi là cuộc Chiến tranh Imjin lần thứ hai. Đây chính bối cảnh cho sứ bộ Lý Túy Quang đến Bắc Kinh.

Cũng rất thú vị nếu ta so sánh những gì hai người đã mang về trong thời gian đi sứ. Lý Túy Quang chỉ mới 29 tuổi khi lần đầu tiên đến Trung Quốc; sau đó, ông đi thêm hai lần nữa. Trong một chuyến đi, ông đã gặp linh mục Matteo Ricci (1552-1610) và được Ricci tặng cuốn “Thiên Chúa thực nghĩa” [Ý nghĩa thực của Thiên Chúa]. Ý tưởng của Ricci về sự kết hợp giữa Kitô giáo và Nho giáo ảnh hưởng lớn đến họ Lý – một số sách phương Tây Ricci tặng sau này được ông đưa vào bộ bách khoa toàn thư 20 tập của mình – “Jibong yuseol” [Chi Phong loại thuyết].1

Thiên Chúa thực nghĩa” cũng là tên cuốn sách mà 2 giáo sĩ Dòng Tên khác là Girolamo Maiorica và Bernardino Reggio tìm cách truyền bá tại Thăng Long khi họ mở một nhà in, bị buộc phải đóng cửa chỉ sau vài tháng năm 1630.2 Những thương nhân Bồ Đào Nha đã đến Việt Nam từ những năm 1550 và ta cũng biết các cộng đồng đạo Kitô đầu tiên được biết đến xuất hiện ở Đàng Trong từ cuối thế kỷ XVI.3 Dù không rõ một sĩ phu Đàng Ngoài như Phùng Khắc Khoan có biết gì về Kitô giáo không, ông đã 64 tuổi ở thời điểm đến Bắc Kinh và hiển nhiên sẽ ít quan tâm đến tri ​​thức mới kia. Tuy vậy, ông đã mang về từ Trung Quốc kiến ​​thức thực tiễn về nghề dệt lụa, trồng ngô và vừng, cùng các giống lúa mới. Phần lớn di cảo của ông đã không còn đến ngày nay; nếu như Lý Túy Quang để lại những quan sát về Đại Việt, chúng ta không thể biết Phùng Khắc Khoan nghĩ gì về Triều Tiên hay đã báo cáo gì với triều đình Lê-Trịnh.

Đối diện với chủ nghĩa thực dân

Với bối cảnh khác nhau, Triều Tiên và Đại Việt đã có những phản ứng trái ngược trước sự sụp đổ của nhà Minh. Vương triều Choson kiên quyết duy trì sự trung thành với triều đại vốn đã giúp họ đánh bại Hideyoshi cách đây vài thập kỷ, vừa xung đột dai dẳng với tộc Nữ Chân [Jurchen] ở Mãn Châu, đặc biệt từ những năm 1620. Người Việt vì đã chịu đựng 20 năm xâm lược của nhà Minh trong thế kỷ XV, không có nợ ân nghĩa như vậy. Vì lý do thực dụng mà triều đình Đại Việt đã từ chối ủng hộ tàn quân nhà Nam Minh rút chạy về Vân Nam và Miến Điện vì sợ họ có thể tràn vào trong nước.


Chân dung Phùng Khắc Khoan (1528-1613) thờ tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Sự trung thành bền bỉ của Triều Tiên với nhà Minh có thể giải thích cho phản ứng của sứ bộ Triều Tiên với sứ bộ triều Tây Sơn tại lễ mừng bát tuần khánh thọ của vua Thanh Càn Long năm 1790.

Như ta đã biết, quân Tây Sơn trong chiến dịch Xuân Kỷ Dậu 1789 đã giáng một thất bại nặng nề cho quân Thanh tiến vào Đàng Ngoài để hỗ trợ cho Lê Chiêu Thống. Và sau khi Nguyễn Huệ xưng đế năm 1788, ông đã phái một sứ bộ do người cháu Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu sang nhà Thanh cầu phong. Sứ mệnh thành công và ông được phong làm An Nam Quốc vương. Đến khi tất cả các nước chư hầu cử sứ bộ sang mừng lễ bát tuần khánh thọ của Càn Long, phái đoàn Đại Việt, thay vì chỉ đưa một sứ thần sang dự, lại được dẫn đầu bởi một quân vương, được ghi trong các tài liệu là “Nguyễn Quang Bình”. Tôi sẽ không tham gia vào các cuộc tranh luận về việc liệu người này có phải là Nguyễn Huệ hay không, điều quan trọng là mọi người tham dự khi đó đều tin đó là Nguyễn Huệ.

Ta hãy đọc một đoạn trích do Từ Hạo Tu [Seo Hosu] (1736-1799), sứ thần Triều Tiên ghi lại cuộc gặp gỡ với vị quốc vương An Nam: “Quốc vương Nguyễn Quang Bình hỏi chánh sứ: ‘Quý quốc có lệ đích thân nhà vua sang chầu Thiên tử hay không?’. Chánh sứ đáp: ‘Đông quốc4 chúng tôi từ khi mở nước đến nay không có lệ đó’. Vua nước kia nói: ‘Nước An Nam từ xưa đến nay cũng không có lệ này. Thế nhưng quả nhân vì ơn lớn như trời cao đất dày của Hoàng thượng nên mới thành kính mà qua chiêm cận là việc xưa nay chưa từng có. Vượt đường sá xa xôi hiểm trở hơn vạn dặm, việc phi thường lẽ nào không báo đáp bằng việc chẳng bình thường’.”

Từ Hạo Tu, sứ thần đại diện cho một vương triều cai trị không gián đoạn suốt từ năm 1392, lên án Nguyễn Quang Bình [Nguyễn Huệ] vì tội “bỏ nghĩa quân-thần5”. Ông viết: “Vì họ Lê hèn yếu nên [Quang Bình] tụ tập dân chúng nổi lên công hãm kinh đô, lại giết vua rồi soán vị”.

Niềm tin của Từ Hạo Tu vào tính không chính danh của nhà Tây Sơn còn được thể hiện trong cách ông mô tả trang phục của sứ bộ. Họ Từ cũng như các thành viên khác của sứ bộ Triều Tiên bày tỏ sự không hài lòng với việc vua và sứ thần Đại Việt chấp thuận mặc trang phục Mãn Thanh, như lời chất vấn của Từ Hạo Tu với Phan Huy Ích: “Tôi hỏi: ‘Từng nghe An Nam sứ thần búi tóc thả ra phía sau, đội mũ sa đen, mặc hồng bào áo thụng, cài trâm đồi mồi vàng, chân đi giày da đen giống như quan phục chúng tôi. Nay thấy quý quốc lại mặc y phục Mãn Châu, lại không bịt đầu, vậy là thế nào? Quan phục quý quốc vốn giống Mãn Châu hay sao?’” Câu trả lời của Phan Huy Ích, theo họ Từ: “Lời nói có chừng lúng túng, vẻ mặt ngượng ngập.6 Bất chấp sự thất vọng này, các bài thơ của sứ thần Đại Việt như Phan Huy Ích (1751-1822) hay Vũ Huy Tấn (1749-1800) vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào sự tương đồng về áo mũ và nghi lễ văn hóa giữa hai nước.


Bài thơ “Đáp Triều Tiên quốc sứ Lý Tuý Quang” của Phùng Khắc Khoan chép trong tập “Hoàng Việt thi tuyển” do Bùi Huy Bích biên soạn. Bản in của nhà Hi Văn Đường, 1825, lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam mã R.969. Nguồn: Thư viện số Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm.

Như Phan Huy Ích đã viết: “Đồng phong thiên cổ y quan chế/ Kỳ ngộ liên triều chỉ chưởng đàm/ Tao nhã nghĩ truy Phùng Lý cựu/ Giao tình thắng tự ẩm thuần cam [Nguyễn Duy Chính dịch nghĩa: ‘Áo mũ quan lại đều theo lối từ nghìn xưa/ Cuộc kỳ ngộ cùng một triều, nói chuyện bằng cách viết chữ bằng ngón tay lên lòng bàn tay/ Đối với nhau tao nhã như họ Phùng gặp họ Lý khi trước/ Giao tình còn hơn cả uống rượu ngọt]7‘”. (Ghi chép của Từ Hạo Tu)

Cho đến thế kỷ XIX, cả người Việt và người Triều Tiên đều phê phán nhà Thanh. Dù ta không rõ liệu đó là do sự phân biệt sắc tộc này hay bởi vì cả Triều Tiên và Việt Nam đều tự hào rằng họ giữ gìn truyền thống Nho giáo tốt hơn người Mãn.

Nhưng rồi Triều Tiên và Việt Nam lại thất bại trong việc chuẩn bị trước các cuộc xâm lược của Đế quốc Nhật Bản và Pháp, mà qua đó đã chấm dứt chế độ triều cống tồn tại hàng thế kỷ. Trung Quốc đã cố gắng giới hạn hoặc ngăn cản một cách muộn màng các bước tiến thực dân vào hai nước chư hầu, nhưng trong cả hai trường hợp, các nỗ lực này đều kết thúc trong thảm họa. Chiến tranh Pháp – Thanh 1882 kết thúc với việc Pháp đưa Bắc Kỳ và Trung Kỳ vào chế độ bảo hộ năm 1885; trong khi Chiến tranh Trung – Nhật 1895 kết thúc với Hòa ước Shimonoseki chấm dứt quyền tôn chủ của nhà Thanh với Lưu Cầu, Đài Loan và Triều Tiên.



Tranh sứ thần Đại Việt và Triều Tiên trong “Hoàng Thanh chức cống đồ” (1750) họa phẩm thời Càn Long. Nguồn: Sina.

Trước thất bại này, cả vương triều Choson cũng như triều Nguyễn đều hứng chịu sự chỉ trích giống nhau. Những chỉ trích vẫn được tiếp tục đến ngày nay đều cho rằng hai vương triều đã cố gắng duy trì hệ tư tưởng Nho giáo đã quá lạc hậu.

***

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện riêng tư. Dì tôi, Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt, sinh ra ở Nam Kỳ, nơi chế độ thuộc địa Pháp từ những năm 1860 đã giúp chữ Quốc ngữ bắt rễ chắc chắn từ đầu thế kỷ XX. Nhưng vào năm 1927, dì đi đến Quảng Châu năm 1927 để tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc đã thành lập trước đó hai năm. Khi đến nơi, bà đã có một cuộc gặp gỡ tình cờ với các nhà hoạt động chống thực dân từ Hàn Quốc. Vì chỉ được giáo dục bằng Quốc ngữ, dì không thể nói chuyện với họ. Thế nhưng, hai thanh niên trong nhóm biết chữ Hán và ngay lập tức hai nhóm đã có thể bút đàm giống hệt như cách Phùng Khắc Khoan và Lý Toái Quang đã từng làm vào năm 1592.

Nếu như kỹ thuật in khắc gỗ dưới thời Đường là phương tiện giúp cho Phật giáo truyền bá được tới quần chúng khi đó phần đa là mù chữ; thì trong thời đại ngày nay, ngôn ngữ hình ảnh của phim ảnh, truyền hình, trò chơi video và internet kết nối mọi người kể cả khi họ không nói cùng ngôn ngữ, hay viết cùng văn tự. Thông qua truyền hình và internet, văn hóa đại chúng Hàn Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa đại chúng Việt Nam. Các sản phẩm văn hóa này không chỉ nhấn vào các vấn đề phổ biến trong các xã hội còn đậm di sản đạo đức Nho giáo, từ các mối quan hệ gia đình đến quan hệ giữa các ông chủ và nhân viên, mà còn cung cấp các mẹo trang trí nhà cửa và thời trang phù hợp cho tầng lớp trung lưu đang phát triển. Người dân Hàn Quốc và Việt Nam không còn phải đến Trung Quốc để gặp gỡ; họ đã có thể kết nối qua thế giới ảo. Tuy vậy, việc kết nối trực tiếp và tham gia trao đổi thông tin và quan điểm, hầu hướng đến mục tiêu chung là kiếm tìm tri thức, đến nay vẫn tỏ ra cực kỳ quan trọng. 

Giới sĩ phu cả Việt Nam và Triều Tiên đều có truyền thống học hỏi lẫn nhau qua sách vở chữ Hán, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi người Triều Tiên muốn học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam khi đối diện với chủ nghĩa thực dân. Vào năm 1905, một nhà nho cấp tiến Việt Nam là Phan Bội Châu (1867-1940) gặp nhà cải cách Trung Quốc Lương Khải Siêu (1873-1929) tại Nhật Bản. Nhờ cảm hứng từ cuộc gặp này, Phan Bội Châu đã viết tác phẩm nổi tiếng của ông: “Việt Nam vong quốc sử”.8 Lương đã viết lời tựa cho cuốn sách và tổ chức in ấn và xuất bản (tại Thượng Hải). Ngay lập tức “Việt Nam vong quốc sử” được phổ biến rộng rãi tại Triều Tiên, khi mà năm 1905 là năm nước này bị đặt dưới chế độ bảo hộ của Nhật Bản, rồi trở thành thuộc địa bị cai trị trực tiếp vào năm 1910. Nói cách khác, hai nước đã trở thành một phần của các đế chế thực dân khác nhau, và việc so sánh trải nghiệm thuộc địa của hai nước ở nhiều khía cạnh (y tế, kiến trúc, báo chí, phong trào chống thực dân hay sự nổi lên của chính trị hiện đại…) đều là cơ hội lớn cho các nhà nghiên cứu.

Chú thích:

1 Bộ Bách khoa toàn thư này cũng bao gồm các quan sát về An Nam [Đại Việt] và nhiều nước khác.

2 Vào năm 1573, Macao báo cáo về việc Vua Đàng Trong [Chúa Nguyễn] đã cho các đoàn truyền giáo Dòng Tên vào trong nước; và một thủy thủ kiêm giáo sĩ, tên Ordonez, đã từng sống ở Quảng Nam trong hai năm từ 1590 đến 1592.

3 Tara Alberts “Catholic Written and Oral Cultures in Seventeenth-Century Vietnam”. Journal of Early Modern History. Leiden: Koninklijke Brill 16 (2012):300 390. doi:10.1163/15700658-12342325.

4 Vương triều Chosŏn tự gọi mình là Đông quốc, theo điểm nhìn so sánh với Trung Quốc.

5 Nghĩa quân-thần là một trong năm mối quan hệ đạo đức cơ bản trong Nho giáo [Ngũ luân].

6 Ge Zhaoguang, “Costume, Ceremonial, and the East Asian Order: What the Annamese King Wore When Congratulating the Emperor Qianlong in Jehol in 1790,” Frontiers of History in China 7, no. 1 (2012):148.

7 Toànn bộ các đoạn trích trong bài theo “Núi Xanh nay vẫn đó” của Nguyễn Duy Chính (NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM), 2016.

8 Hai năm trước đó tại Việt Nam, Phan Bội Châu cũng viết một cuốn sách khác, “Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư” bình luận về việc nước Lưu Cầu [quần đảo Okinawa ngày nay] để mất độc lập vào tay Nhật Bản năm 1879.

Nguồn: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Viet-Nam-va-Han-Quoc-Nhung-diem-gap-go-trong-quy-dao-lich-su-ky-2-23087?fbclid=IwAR0S2n9VNCJD2pdy93bBGHJX5Q3EDFrD3rGMYz8Y3x5adbLLi1korQIPEwg