“Trong tai họa, con người có nhiều điều đáng ngưỡng mộ…”
Trong tiểu thuyết Dịch hạch, Albert Camus, nhà văn Pháp theo chủ nghĩa hiện sinh, viết: “Chính trong tai họa, con người có nhiều điều đáng ngưỡng mộ hơn là để khinh bỉ”.
“Không có cỏ dại cũng không có người xấu, mà chỉ có những kẻ kém việc cấy cày”.
(Những người khốn khổ, Victor Hugo) |
Với nhiều chiến binh áo trắng, những ngày không có thời gian để ăn, uống, đi vệ sinh đã trở thành chuyện bình thường. Mệt mỏi nhưng họ vẫn kiểm soát và làm chủ được tình hình tại bệnh viện vì khả năng chuyên môn cho phép họ duy trì nhịp độ cứu chạy này dù rất căng thẳng.
Trong trận chiến, vài trăm người đã ngã xuống. Một trong những lý do dẫn tới những hi sinh mất mát đấy là họ thiếu trang bị, xông ra tuyến đầu mà chỉ có mỗi khẩu trang làm vũ khí ngăn virus. Găng tay, khẩu trang, dung dịch khử trùng hoặc thiếu hoặc phải phân phối. Họ thừa biết sẽ bị nhiễm virus, nhưng vì trách nhiệm và lương tâm, họ vẫn tiếp tục cho đến khi bị hạ gục.
Một đội quân chiến thắng là một đội quân kỷ luật và tương trợ – đoàn kết. Những ngày này, các bác sĩ kể rằng “chúng tôi giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau giữa các đồng nghiệp. Chuyên gia nhiễm khuẩn học truyền đạt cho bác sĩ phẫu thuật cách xử lý bệnh lý hô hấp.
Bác sĩ tim mạch, lão khoa, bác sĩ nội trú cùng nhau điều phối giữa khoa của mình và khu vực COVID-19, giữa việc chữa trị với những cuộc họp khẩn cấp. Các bác sĩ nội trú được huy động, chạy từ tầng này sang tầng khác, từ tòa nhà này sang tòa nhà kia, tới những khoa không thuộc chuyên môn của họ khi đồng nghiệp cần.
Các sinh viên y khoa tham gia vào đội quân tình nguyện trả lời tổng đài cấp cứu, luân chuyển bệnh nhân, thực hành những động tác căn bản của nghề y tá như tiêm, truyền, săn sóc… N
gười nào còn sức thì vào thay đỡ cho người đã đuối sức. Một người ngã xuống lại có những người khác bước lên thay thế. Hàng trăm bác sỹ, nhà khoa học, đang nghiên cứu các phân tử để tìm ra cách chữa trị trong thầm lặng”. (L’Observateur 3-4-2020).
Các y tá và hộ lý, ngoài việc trợ giúp bác sĩ còn đảm nhận việc báo tin tình hình bệnh cho người nhà, đóng vai trò liên lạc viên và người nâng đỡ tinh thần cho những gia đình hoảng hốt hay tuyệt vọng nhìn người thân bất động xung quanh những chiếc máy chỉ kêu bíp bíp.
Khi hỏi về tinh thần của chính họ thì một cô y tá trẻ tuổi ở Bệnh viện Tenon (Paris) nhỏ nhẹ cười sau lớp mũ chụp kính trắng nói với tôi: “Rất mệt ạ… nhưng em yêu nghề này và em làm những gì cần phải làm”. Nhiều y tá đã về hưu hoặc đổi nghề quyết định quay lại bệnh viện giúp đỡ đồng nghiệp cũ: “Về mặt đạo đức, tôi không thể không quay lại bệnh viện…
Người thân rất lo lắng cho tôi, tôi giận mình đã ép họ nhận nỗi lo này, nhưng tôi không thể làm khác” – Solange, hiện làm nghề họa sĩ minh họa và vẽ truyện tranh, cho biết trên Les infirmiers – một tạp chí online dành cho giới y tá, hộ lý.
Số lượng bệnh nhân tăng nhanh liên tục khiến đội quân áo trắng phải đối mặt với “lựa chọn số phận” cho người khác: sự sống cho người này nghĩa là cái chết cho người kia. Trong cuốn The Patient as Person: Explorations in Medical Ethics (Bệnh nhân cũng là con người: Tìm hiểu ngành đạo đức y khoa), tác phẩm khai mở của ngành đạo đức sinh học (bioethics), Paul Ramsey, nhà đạo đức học người Mỹ, đã viết “trong mọi tình huống, mọi lúc và mọi nơi, nghề y phải đối diện với vấn đề lựa chọn ai được sống và ai phải chết”.
Chắc hẳn với những người từng đọc lời thề Hippocrates trước khi hành nghề y sẽ đau khổ và cảm thấy bất lực khi phải đứng trước lựa chọn này. Đây là một quyết định làm trăn trở lương tâm mà nhiều bác sĩ tâm lý và tâm thần học dự báo rằng có thể để lại sang chấn tâm lý cho những chiến binh áo trắng khi đại dịch qua đi.
Nếu những chiến binh áo trắng vững vàng vượt qua được thử thách nghề nghiệp và lương tâm thì như họ tâm sự, đó là nhờ họ học được từ bệnh nhân của mình hạnh phúc và nỗi buồn, tình yêu và đau khổ, niềm tin và tuyệt vọng, dịu dàng và thô bạo, chịu đựng và buông xuôi, cô đơn và đoàn tụ…
Hằng ngày, họ chứng kiến máu, cơn đau, vết thương, vết mổ lúc bệnh nhân nhập viện và nhận lại nụ cười, lời cảm ơn, cái bắt tay, lời chúc khi bệnh nhân xuất viện. Vì như họ nói, bệnh viện là nơi chứng kiến những dấu mốc căn bản nhất của một đời người: ra đời, bệnh tật, hồi sinh và cái chết.
“Rất vui vì được đi giao hàng”
Cầu thủ bóng bầu dục Gael Fickou (55 lần khoác áo đội tuyển Pháp) đã nói vậy khi ngồi trên ôtô đi giao đồ ăn cho bệnh viện. Vì không thể tập luyện và thi đấu được nữa, anh đã tìm ra nghề tay trái là phụ bếp cho một nhà hàng ở Paris.
Cyril Dumoulin, thủ môn đội bóng ném thành phố Nantes, thì lăngxê bán đấu giá trên mạng những kỷ vật nghề nghiệp của các vận động viên thể thao nổi tiếng, bao gồm những tuyển thủ quốc gia lừng lẫy của bóng đá Pháp như Franck Ribéry, Marcel Desailly, Hugo Lloris, hay cuarơ xe đạp Thibaut Pinot… Sau vài tuần, số tiền hơn 230.000 euro thu được đã được chuyển cho quỹ trợ giúp bác sĩ và y tá (theo Télévision France 2, 25-4-2020).
Giới văn chương cũng có sáng kiến. Một tuyển tập truyện ngắn, thơ, thư, tùy bút về các chủ đề tự do, hi vọng, đoàn kết được 60 nhà văn và tác giả viết tặng đội quân áo trắng sẽ do Tập đoàn Editis xuất bản.
Còn một loạt sáng kiến tự phát từ các cá nhân hay tổ chức được triển khai để giúp đỡ đội quân áo trắng. Bạn là y tá, nhà cách xa bệnh viện 4 tiếng đi tàu ư? Chủ nhân một căn hộ nhỏ đối diện bệnh viện nơi bạn làm việc, qua hệ thống Airbnb, gửi tin nhắn cho bạn, thế là trong những tuần toàn quốc cách ly, bạn chỉ việc băng qua phố về căn hộ đó ngủ sau 10 tiếng làm việc, không sợ lây cho gia đình, không sợ lỡ tàu.
Bạn là hộ lý, cũng nhà xa ư? Hãng taxi vì chẳng còn khách để chở đã chủ động đưa đón bạn miễn phí suốt nhiều tuần. Vợ chồng bạn đều là bác sĩ, không thể ở nhà trông con hay đưa đón con đi học ư?
Một nhóm sinh viên đại học tình nguyện đến nhà bạn vừa trông con, vừa làm luôn gia sư miễn phí. Nếu hàng xóm biết bạn là y tá thì rất có thể tối đi làm về bạn sẽ thấy một dải cầu vồng được cắt dán lên cửa nhà bạn và dòng chữ in hoa “MERCI” khiến bạn bật khóc vì vừa mệt vừa vui!
Các bếp trưởng của các nhà hàng hạng sao và bình dân ở Pháp thì tự đứng bếp nấu ăn rồi chia thành các suất gói ghém cẩn thận giao đến bệnh viện trong tầm 12h-14h hằng ngày, vì căngtin ở nhiều bệnh viện không hoạt động nữa. Kèm theo là những túi thực phẩm rau quả sạch gửi đến từ nông trại cho các chiến binh áo trắng không còn thời gian đi chợ hằng ngày.
Có lẽ chưa bao giờ món mì ống xốt cà chua và thịt bò băm lại được nấu với nhiều gia vị tình thương đến vậy! Đến bữa ăn nhẹ, tầm 4h chiều, sẽ có nước hoa quả, các loại bánh ngọt, vài hộp sôcôla, bánh quy… tự động hiện ra như trong truyện cô Tấm, mà các bác sĩ nói họ cũng không biết ai mang đến. Dọc hành lang các tòa nhà trong bệnh viện, những bức tranh và ký họa do trẻ em vẽ được dán lên tường điểm sắc cho phông nền tuyền trắng, sưởi ấm những bức tường lạnh lẽo.
Rõ ràng tràng vỗ tay vào mỗi tối lúc 20h hay lời cảm ơn trong nước mắt của một bệnh nhân nước ngoài đến các bác sĩ Việt đều là cách bày tỏ sự cảm phục đến những người anh hùng áo trắng. Chúng ta dành sự cảm phục trước những hành động hi sinh trước rủi ro, hành động vì lẽ thường trong một tinh thần khiêm nhường và quả cảm.
Chưa bao giờ cuộc đời của mỗi cá nhân hay sự tồn sinh của nhân loại là một sự an bài, nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng rằng tình đoàn kết và tương trợ không hề là ảo vọng trong một thế giới ngày càng bất trắc. ■
(*): Phó giám đốc Mạng lưới giáo dục (EduNet) – Tổ chức AVSE – Global
Một thông lệ mới xuất hiện tại Pháp trong đại dịch COVID-19. Từ 6 tuần nay, khi lệnh cách ly trên toàn nước Pháp được Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố, tối nào cũng vậy, đúng 20h, người dân ở quốc gia này mở cửa sổ hay ra bancông nhà vỗ tay, gõ trống, huýt sáo, chơi đàn, và hát thay lời cảm tạ đến 2 triệu bác sĩ, y tá trên cả nước. |