Nguyễn Văn Hiệu
Họ và tên | Nguyễn Văn Hiệu |
Ngày sinh | 21/7/1938 |
Ngày mất | 23/1/2022 |
Quốc tịch | Việt Nam |
Lĩnh vực chuyên môn | Vật lý lý thuyết
Vật lý toán học |
Giải thưởng đã đạt được | Giải thưởng Lênin (1986)
Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kĩ thuật (1996) Huân chương độc lập hạng Nhất (2009) |
Nguyễn Văn Hiệu là một giáo sư, nhà vật lý, và chính trị gia của Việt Nam. Ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VI, VII, và VIII; ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá V; đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm khoá liên tiếp từ khoá IV tới khoá VIII; nguyên viện trưởng Viện Vật lý (Việt Nam), Viện Khoa học Vật liệu Việt Nam, và nguyên chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngoài ra, ông là hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó, ông còn là viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba.
Nguyễn Văn Hiệu chào đời ngày 21 tháng 7 năm 1938 tại Cầu Đơ, nay thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội, trong gia đình có bố là cán bộ Cách mạng. Bởi vậy, tuổi thơ của ông là hình ảnh những ngày tháng di tản khắp nơi cùng mẹ và các em vì chiến tranh, chạy giặc. Do nhà nghèo, ông phải vừa học vừa làm để có thể phụ giúp gia đình. Ông xin làm tại một xưởng dệt kim và trong một lần quan sát người chủ sử dụng máy dệt kim, ông đã nhen nhóm trong mình tình yêu với khoa học kỹ thuật nói chung và vật lý nói riêng “…Tôi yêu vật lý từ thời đó. Phải nói rằng, quãng đời làm thợ, học nghề trong xưởng dệt kim đã tạo cho tôi tình yêu vật lý. Tôi quyết tâm sau này được học, sẽ theo học vật lý.””
Quả nhiên là như vậy, năm 1954, ngay sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Nguyễn Văn Hiệu cùng gia đình trở về Hà Đông và ông lập tức đăng kí vào Khoa Toán Lý Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Hai năm sau, ông tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc, sau đó giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm 1957, hai nhà vật lý người Trung Quốc là Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo đạt giải Nobel Vật lý. Công trình nghiên cứu của hai người họ bấy giờ là một chủ đề nóng được xuất hiện trong nhiều ấn phẩm khoa học của Liên Xô (cũ). Năm 1958, qua lời giới thiệu của giáo sư Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Hiệu đã bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của chủ đề này. Đây chính là một trong những cột mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của ông.
VỊ TIẾN SĨ TRẺ TUỔI TẠI LIÊN XÔ
Năm 1960, ở tuổi 22, ông được cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna, thuộc Liên Xô (cũ). Đây được xem là một trong những trung tâm nghiên cứu vật lý nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ. Với sự xuất sắc của mình, năm 1963, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Markov, Nguyễn Văn Hiệu đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ về lĩnh vực Vật lý neutrino. Chỉ sau đó một năm, dưới sự dẫn dắt của giáo sư Logunov, ông tiếp tục hoàn thành luận án tiến sĩ với chủ đề về Lý thuyết giải tích tương tác mạnh. Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với sự đồng ý tuyệt đối của Hội đồng xét duyệt, vào năm 1964. Với thành tích đáng nể này, Nguyễn Văn Hiệu đã trở thành người đầu tiên ở Liên Xô bảo vệ tiến sĩ khoa học chỉ đúng một năm sau khi bảo vệ tiến sĩ, thậm chí còn là ở hai lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn khác nhau.
Bàn về sự kiện trên, trong chương trình Ánh sáng tri thức: Khoa học là lẽ sống phát sóng ngày 8/11/2023 trên VTV1, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng thuộc Viện Vật Lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nói “…Thế nhưng mà, sự kiện một chàng trai mới 26 tuổi đến từ một đất nước mà nền vật lý còn vô cùng sơ khai, bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học chỉ sau một năm bảo vệ luận án tiến sĩ, thì thực sự quả là một sự kiện hiếm có.” Hay như theo lời Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đăng Vũ Minh – nguyên Chủ tịch Viện Khoa học Việt Nam “Lúc bấy giờ chúng tôi đang là sinh viên, cảm thấy hết sức tự hào khi có một người Việt Nam đã có được thành tựu xuất sắc như vậy trong khoa học.”
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học, Nguyễn Văn Hiệu đã bắt đầu làm việc với môt chủ đề nghiên cứu mới: Tính chất đối xứng cao, thống nhất sự đối xứng nội tại của các hạt cơ bản với tính đối xứng của không – thời gian.
Viện Dubna quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu mới và giao cho ông phụ trách. Viện còn đề nghị ông soạn một loạt bài giảng về lý thuyết mới hình thành để trình bày với các nhà thực nghiệm. Về sau, những bài giảng đó được viết lại thành sách, với tựa đề “Các bài giảng lý thuyết đối xứng unita” và được nhà xuất bản Nguyên tử in ở Moscow với lời tựa của viện sĩ Bogolyubov.
Năm 1968, khi mới 30 tuổi, Nguyễn Văn Hiệu được công nhận chức danh giáo sư vật lý lý thuyết và vật lý toán của Viện Dubna và đại học Lomonosov. Kể lại về những ngày tháng làm việc tại Liên Xô, ông nghẹn ngào nói: “Những năm tháng ở Liên Xô là quãng đời tôi được hưởng đến mức cao nhất tinh thần quốc tế vô sản của các nhà khoa học Liên Xô. Giờ tôi vẫn nghĩ đó là một giấc mơ mà giấc mơ ấy không bao giờ quay trở lại và không có ở đâu cả, chỉ có ở thời gian 8,5 năm tôi làm việc tại Liên Xô.”…
NGƯỜI VIỆT NAM DUY NHẤT ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG LÊNIN
Năm 1969, khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, ông đã chọn từ bỏ tất cả để về nước theo lời kêu gọi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông giữ chức Viện trưởng Viện Vật lý – một trong hai viện đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam lúc bấy giờ và là thành viên của Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước. Ông vừa tích cực xây dựng Viện Vật Lý, vừa tiếp tục say mê với những nghiên cứu mới cùng các học trò do ông đích thân dìu dắt.
Năm 1970, tại hội nghị Vật lý Quốc tế ở Kiev, Nguyễn Văn Hiệu đã có một bản báo cáo gây tiếng vang lớn và thu hút được sự chú ý với nội dung đề cập tới những kết quả khám phá của ông cùng với Viện sĩ Logunov. Khi vừa kết thúc hội nghị, Viện sĩ Bogolubov nói riêng với ông: “Tôi nghĩ rằng, cậu sẽ có được giải thưởng Lê-nin. Cậu phải quay lại Liên Xô ngay thêm vài năm nữa để tiếp tục nghiên cứu”.
Nhưng nghĩ tới Viện Vật Lý, nghĩ tới đất nước, ông đã chọn ở lại. Nguyễn Văn Hiệu tiếp tục tổ chức các hoạt động nghiên cứu của Viện. Nhưng cũng không vì vậy mà ông từ bỏ những nghiên cứu của riêng mình. Song song với việc nghiên cứu lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản, ông đã hợp tác cùng Logunov (về sau là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô kiêm Hiệu trưởng đại học Lomonosov) và nhiều nhà khoa học khác nhằm tiến hành nghiên cứu quá trình sinh nhiều hạt ở vùng năng lượng cao. Các kết quả nghiên cứu của nhóm được Liên Xô cấp bằng phát minh năm 1981.
Với những đóng góp của mình, năm 1982, Nguyễn Văn Hiệu được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga). Hai năm sau đó, ông tiếp tục được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Thế giới thứ ba, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Czech ; rồi Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Cộng Hòa Dân Chủ Đức vào năm 1985.
Năm 1986, Nguyễn Văn Hiệu được Nhà nước Liên Xô trao tặng Giải thưởng Lê-nin về Khoa học và Kỹ thuật với khám phá về định luật bất biến kích thước của quá trình sinh hạt. Đây là một trong những giải thưởng uy tín nhất của Liên Xô trao cho các thành tựu khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật và kiến trúc.
NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CHO ĐẤT NƯỚC
Người đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học nước nhà
Ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Đầu tháng 5/1975, Nguyễn Văn Hiệu được cử làm Đại biểu Quốc hội và cùng đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đi thị sát các tỉnh phía Nam. Đến ngày 4/7/1975, Trung ương ra quyết định thành lập Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam và cử Nguyễn Văn Hiệu làm Viện trưởng. Với số lượng các nhà khoa học còn rất ít ỏi, ông ngay lập tức bắt tay xây dựng một viện nghiên cứu mới tại miền Nam. Tháng 6/1976, ông trở lại miền Bắc để đảm nhận chức vụ Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Đến năm 1983, ông trở thành Viện trưởng. Từ năm 1993, ông là Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia kiêm Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu. Trong khoảng thời gian này, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu về vật lý chất rắn, ông còn là một trong những người giúp đưa cây thanh hao hoa vàng – nguyên liệu để sản xuất thuốc chữa bệnh sốt rét, vào trồng đại trà ở miền núi phía bắc. Qua đó, phục vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.
Là một người gắn bó và trưởng thành cùng với sự phát triển của nền khoa học và giáo dục Việt Nam, Nguyễn Văn Hiệu đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và việc đào tạo thế hệ trẻ. Không ít người trong ngành giáo dục đã biết đến những đóng góp mang ý nghĩa quan trọng của ông khi ông còn là đại biểu Quốc hội. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc nhìn nhận vấn đề cải cách tiền lương cho ngành giáo dục. Ngoài ra, ông còn là nguyên hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Công nghệ, nay thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu là một trong số rất ít các nhà khoa học Việt Nam coi khoa học là sự nghiệp suốt đời. Số công trình khoa học của ông lên tới trên 200 công trình, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn. Hầu hết số công trình đó đều được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín. Lúc sinh thời, ở tuổi 70, ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết cho nhiều kế hoạch lớn và tiếp lửa cho một thế hệ các nhà khoa học mới đang hăng say học tập, nghiên cứu về lĩnh vực “Khoa học và công nghệ nano.”
Luôn nghĩ về miền Tây Nam Bộ
Kênh Võ Văn Kiệt (nguồn ảnh: Báo Thanh niên)
Vượt lũ
Trong những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX, vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục xuất hiện những trận lũ lớn gây thiệt hại nặng nề về sản xuất, tài sản, và tính mạng người dân. Để giải quyết vấn đề này, cố giáo sư Nguyễn Sinh Huy đã có ý tưởng “Thoát lũ ra biển Tây” vô cùng sáng tạo, là: xây dựng thêm một số công trình mới, cải tạo các công trình đã có, kể cả kênh Vĩnh Tế, nhằm chuyển một phần nước của sông Hậu thoát về biển Tây, vừa giảm áp lực nước cho vùng tứ giác Long Xuyên, vừa đồng thời sử dụng nước ngọt trong mùa lũ để cải tạo đất phèn vùng Tứ giác Hà Tiên. Tuy nhiên, đề xuất của ông đã bị bác bỏ.
Ý tưởng của ông sau đó đã được Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu – Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia (nay là Viện khoa học và công nghệ Việt Nam) biết đến. Ngay lập tức, ông đã mời Giáo sư Nguyễn Sinh Huy trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt – khi ấy đang có rất nhiều trăn trở về sự phát triển kinh tế – xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long. Bằng sự nhạy cảm chính trị của mình, chỉ sau một buổi làm việc, Thủ tướng đã hoàn toàn tin vào ý tưởng của giáo sư Huy và quyết định cho phép đề án được nghiên cứu chi tiết để triển khai thực hiện.
Kết quả của cố Giáo sư Nguyễn Sinh Huy đã được thời gian chứng minh. Đến nay, sau hơn 20 năm vận hành, hệ thống thoát lũ biển Tây ngày càng phát huy hiệu quả toàn diện, các mục tiêu tổng hợp của công trình như ngăn lũ, thoát lũ, cải tạo môi trường, tạo nguồn, giữ nước và phối hợp thuỷ lợi – giao thông – dân cư được thực hiện đồng bộ,…
Khai hoang vùng đất Đồng Tháp Mười
Khi được nhà báo hỏi về thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp của mình, Nguyễn Văn Hiệu đã không ngần ngại trả lời: “Bạn có biết đóng góp lớn nhất của tôi đối với xã hội là gì không? Đó là công trình tôi tham gia quản lý và đã rất thành công. Nó chẳng liên quan gì đến Giải thưởng Lê-nin của tôi cả thế mà tôi lại cảm thấy vô cùng sung sướng.
Khi miền nam vừa giải phóng, tháng 7-1975, tôi được cử làm Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật B2 trực thuộc Trung ương cục miền nam. Mong muốn của các đồng chí lãnh đạo là biến vùng Đồng Tháp Mười quanh năm bị ngập trở thành vùng lúa. Tôi đã tập hợp các anh em trong giới khoa học. Cuối cùng, việc khai hoang Đồng Tháp Mười thành công và chương trình khai hoang thể hiện rõ trên bản đồ này, ghi cụ thể vùng nào cần làm gì. Tôi luôn làm việc đất nước cần và tôi tập hợp mọi người dốc hết tâm sức làm cùng mình.”
GIA ĐÌNH VÀ NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI
Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu cùng người vợ thứ hai – Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hà (nguồn ảnh: nguyen-van-hieu.vn)
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu là anh cả trong một gia đình trí thức có mười anh em. Cả chín người em của ông đều tốt nghiệp đại học, trong đó có sáu tiến sĩ thuộc sáu chuyên ngành khác nhau với một giáo sư và một phó giáo sư. Bên cạnh đó, người vợ cả của ông, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Hồng cũng là một nhà Vật lý đầy nhiệt huyết nhưng lại sớm qua đời vì căn bệnh ung thư ác tính vào năm 1992. Ngoài ra, con trai ông, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn cũng là tiến sĩ Vật Lý. Không chỉ vậy, cháu nội ông, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Sơn cũng nối tiếp thế hệ trước mà đi theo con đường vật lý và hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Pháp.
Ngày 23/1/2022, Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 84 tuổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
VTV1 – GS.VS Nguyễn Văn Hiệu – Ánh sáng tri thức: Khoa học là lẽ sống
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam