Vài băn khoăn sau chuyến đi Nhật
(TBKTSG) – Để chuẩn bị cho chuyến đi Nhật cùng chín người bạn vào đầu tháng 11 vừa qua, tôi đã mượn của thư viện gần nhà mấy cuốn sách bằng tiếng Pháp nghiên cứu khá công phu về nước Nhật mà thú thật tôi biết rất lờ mờ. Những điều tôi thu lượm được trong các cuốn sách nói trên cũng như từ chuyến đi đã làm tôi vừa kinh ngạc vừa băn khoăn.
Sớm phát triển Khác với Việt Nam, Hàn Quốc hay ngay cả Trung Quốc, Nhật Bản chưa bao giờ bị nước ngoài thống trị, có lẽ một phần do nó là một quần đảo. Ngay cả quân Nguyên Mông cũng đã thất bại trong hai lần xâm lăng Nhật vào năm 1278 và 1281 do bị bão tố làm đắm thuyền. Từ xa xưa, người Nhật chủ yếu sống trên ba đảo chính: Shikoku (18.803 ki lô mét vuông), Kyushu (36.753 ki lô mét vuông) và Honshu (227.960 ki lô mét vuông). Tổng diện tích của chúng lên đến hơn 280.000 ki lô mét vuông, mà núi rừng chiếm đến ba phần tư. Do nội thương các nghề thủ công truyền thống của Nhật (gốm, sứ, vải, lụa, luyện kim, đồ gỗ…) rất phát triển trong thời đại Tokugawa (1603-1868) đóng đô ở Edo (tức Tokyo hiện nay), Nhật đã sớm đô thị hóa đến mức kinh ngạc. Vào thế kỷ 18, dân số của Edo lên đến 1 triệu, gấp đôi Paris (500.000 dân) và ngang với London thường được xem là thành phố đông dân nhất thế giới vào thời đó; Kyoto 400.000 dân; Osaka 300.000 dân. Trong khi đó, vào năm 1772, dân số Sài Gòn chỉ khoảng 20.000-30.000 người(1). Và khi Pháp chiếm Hà Nội vào năm 1884, dân số của Thăng Long “36 phố phường” (chứ không phải của tỉnh Hà Nội được lập năm 1831) có lẽ cũng chỉ khoảng 30.000 người. Vào năm 1921, tức là gần 40 năm sau khi Pháp chiếm đóng và phát triển, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 4.000 người Âu và 100.000 người Việt(2).
Đến khoảng thế kỷ 19, dân số Nhật đã lên đến 30 triệu, tức gấp hơn bốn lần dân số Việt Nam vào cùng thời (khoảng 7 triệu dân). Tuyệt đại đa số dân số đều thuộc tộc người Nhật, trừ đảo Hokkaido vẫn thuộc người Ainu cho đến cuối những năm 1860 khi thiên hoàng Minh Trị quyết định chiếm cứ đảo này (rộng 83.000 ki lô mét vuông) và đưa người Nhật đến định cư. Tiếp thu văn hóa Trung Quốc với sự sáng tạo Theo nhiều nhà nghiên cứu, chữ Hán được đưa vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 4 sau Công nguyên, tức sau Việt Nam khoảng năm, sáu thế kỷ (nếu cho rằng chữ Hán được du nhập vào Âu Lạc sau khi bị Triệu Đà thôn tính năm 179 trước Công nguyên). Để làm thơ viết văn bằng tiếng Nhật, từ khoảng thế kỷ 8, người Nhật đã tạo ra một hệ thống chữ viết kết hợp các chữ Hán (kanji= hán tự, tức các ký tự tiếng Trung Quốc) với các âm tiết kana (bao gồm các âm tiết hiragana và các âm tiết katakana). Như vậy người Nhật đã tạo ra chữ viết của họ sớm hơn chữ Nôm của Việt Nam đến năm thế kỷ. Khác với Nhật, vua chúa Việt Nam chưa bao giờ thay chữ Hán bằng chữ Nôm trong cai trị cũng như trong giáo dục. Đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi nếu không bị Pháp đô hộ và đặt chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán vào đầu thế kỷ 20, phải chăng đến ngày nay nước ta vẫn còn dùng chữ Hán và tiếng Hán Việt? Vào đầu thế kỷ 11, nữ sĩ cung đình Nhật Bản có biệt danh là Murasaki Shikibu đã dùng lối viết kana để sáng tác cuốn Genji monogatari, tức Truyện kể Genji, là trường thiên tiểu thuyết đầu tiên của thế giới, sớm hơn tác phẩm Đôn Kihôtê của Miguel de Cervantes (Tây Ban Nha) đến 500 năm. Một điều cần nhấn mạnh khác là người Nhật đã không bắt chước Trung Quốc dùng thi cử bằng thơ, phú… chữ Hán và lối học từ chương để tuyển chọn quan lại như ở Việt Nam. Phật giáo và Thần đạo Vào đầu Công nguyên, các tăng sĩ người Ấn Độ đã góp phần lập ra trung tâm đạo Phật tại Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam), một trong những trung tâm lớn nhất của đạo Phật tại phương Đông cùng với hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành ở Trung Quốc(3). Phật giáo được du nhập vào Nhật vào khoảng giữa thế kỷ 6, tức sau Đại Việt chừng 5 thế kỷ. Nhưng chỉ khoảng 150 năm sau, Nhật đã xây được nhiều chùa chiền hoành tráng, công phu như chùa Todai-ji (Đông đại tự) được xây vào năm 752 ở Nara với tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới (16,2 mét), và ngôi nhà chính bằng gỗ lớn nhất thế giới (cao 48,6 mét, dài 57,3 mét, rộng 50 mét) – được xây lại nhỏ hơn vào năm 1702 sau khi ngôi nhà cũ bị cháy. Từ xa xưa, cũng giống như người Việt Nam, người Nhật đã có tục thờ vô số thần (kami): thần mặt trời, gió, mưa, sấm, sét, sông hồ, núi non, súc vật sống lâu nên thành tinh, hồn người chết… Sự du nhập của đạo Phật vào Nhật đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển một hệ thống thần đạo cộng sinh với Phật giáo. Cuốn Kojiki (Cổ sự ký, được viết năm 712) và cuốn Nihonshoki (Nhật Bản thư kỷ, năm 720) đã ghi lại sự tích của nhiều thần cũng giống như hai cuốn Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên và Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp được viết vào thế kỷ 13 ở Đại Việt, tức muộn hơn nhiều. Cho đến hiện nay, nhiều người Nhật tin cả Phật giáo lẫn Thần đạo. Theo một cuộc điều tra vào năm 2015 của cơ quan giáo dục văn hóa Nhật, 85 triệu người Nhật (tức 67% dân số) theo Thần đạo và 88 triệu (tức 69% dân số) theo đạo Phật. Đa số người Nhật có thể đến cầu nguyện ở đền thờ Thần đạo (mà tiếng Nhật gọi là jinjia, tức thần xã) để mua bùa, xin thẻ, cầu phước, cầu tài nhưng khi chết lại được chôn cất theo nghi thức Phật giáo, cũng giống như ở Việt Nam. Chế độ Bakufu (Mạc phủ) Khá giống với chế độ “vua Lê chúa Trịnh” (1545-1787) ở Đại Việt, chế độ Bakufu, trong đó thực quyền nằm cả trong tay Shogun (tướng quân) còn Thiên hoàng chỉ giữ hư vị, xuất hiện sớm hơn nhiều (vào năm 1192) và kéo dài cho mãi đến năm 1867, tức trong gần bảy thế kỷ. Từ năm 1641-1854, Mạc phủ cuối cùng Tokugawa đã áp dụng chính sách “bế quan tỏa cảng” mà tiếng Nhật gọi là Sakoku (tỏa quốc, tức “khóa đất nước lại”) hay kaikin (hải cấm, tức cấm đi biển), nhưng các tàu Trung Quốc và Hà Lan vẫn được phép ghé cảng Nagasaki. Người Hà Lan lập thương điếm ở đảo nhân tạo Dejima (Xuất Đảo, tức “đảo xuất khẩu” chỉ rộng khoảng 9.000 mét vuông) kế cận cảng này. Nhờ sự tiếp xúc với người Hà Lan, trong thời kỳ này người Nhật đã tiếp thu được phần nào cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật và công nghiệp của phương Tây. Đó là điều khác hẳn Đại Việt: dưới triều Tự Đức (1847-1883), ngay cả sau khi Pháp thôn tính toàn bộ Nam Kỳ (1868), vua quan và tuyệt đại đa số sĩ phu Đại Nam đều mù tịt về Pháp và phương Tây, khiến cho Phan Thanh Giản đã phải than trong bài thơ Tự thán: Từ ngày đi sứ tới Tây kinh, Thấy việc Âu Châu phải giật mình. Kêu gọi đồng bang mau kịp bước, Hết lời năn nỉ chẳng ai tin! Chính nhờ dân tộc Nhật có được nội lực và tinh thần tự lập, tự cường cao mà thiên hoàng Minh Trị đã thành công trong công cuộc cải cách, biến Nhật thành một cường quốc sau ba mươi năm. Do đó, hơn bao giờ hết, Việt Nam phải cấp tốc và dốc sức thực hiện ba mục tiêu mà nhà ái quốc Phan Châu Trinh đã đề ra vào đầu thế kỷ 20: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Trong ba mục tiêu đó, có lẽ “chấn dân khí” là quan trọng nhất. Thật vậy, chừng nào chưa có “chí khí”, chưa có tinh thần “tự lập tự cường”, thì chừng đó dân ta chưa “ngóc” đầu lên được. (1) Quy hoạch Sài Gòn 1772 vượt xa tầm nhìn người Pháp 1865, báo Tuổi trẻ, 22-3-2016 (2) Papin, Philippe (2001). Histoire de Hanoi. Fayard. tr. 381. (3) Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, chương 1, Nguyễn Lang, Nxb văn học, 2014
|