Sự đổi mới mang lại lợi ích cho mọi người phải có đóng góp giá trị cho địa phương.
Ủy ban châu Âu khởi động Thử thách Thành phố Kỹ thuật số. Khu vực mới Hùng An (Xiongan) của Trung Quốc muốn chuyển mình từ một khu vực cằn cỗi thành một thành phố kỹ thuật số được trang bị blockchain và trí tuệ nhân tạo. Kế hoạch Global Digital Seoul 2020 của Hàn Quốc tập trung vào phát triển chính phủ điện tử ở thủ đô Seoul, còn Ấn Độ đang đẩy mạnh chương trình Sứ mệnh Thành phố Thông minh của mình. Các ví dụ trên cho thấy rõ các thành phố phải tìm cách đổi mới để nâng cao phúc lợi xã hội, tăng sức cạnh tranh kinh tế và trở nên bền vững hơn.
Các công nghệ đã và đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể kích thích sự đổi mới nhưng đồng thời cũng tăng cường nguy cơ tiềm ẩn. Công nghệ có thể bị lạm dụng để phá vỡ nền kinh tế và gây chia rẽ xã hội; việc làm có thể biến mất; và sự khác biệt kinh tế – xã hội sẽ ngày càng gia tăng. Để giúp kiềm chế những rủi ro này, các thành phố đang tiến hành thử nghiệm “hộp cát điều tiết” (môi trường thử nghiệm độc lập), thiết kế có sự tham gia, hệ thống đổi mới và cả quan hệ đối tác công tư. Suy cho cùng, các thành phố phải tính đến xung đột tiềm tàng giữa giá trị kinh tế và giá trị xã hội.
Ví dụ với dịch vụ chia sẻ xe, cung và cầu có thể được dự đoán tốt và phù hợp hơn; nhưng các cuộc xung đột và biểu tình thường xuyên diễn ra từ Montreal, Montevideo đến Melbourne đều cho thấy các giá trị xã hội có thể mâu thuẫn với giá trị kinh tế đơn thuần.
Các thành phố và công ty đang ngày càng nhạy cảm với xung đột tiềm tàng này. DeepMind – một công ty trí tuệ nhân tạo được Google mua lại đã thành lập một “đơn vị Đạo đức và Xã hội” vào năm 2017 để giúp đưa đạo đức vào nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực AI (Trí tuệ nhân tạo). Trong khi đó, Singapore đã công bố một Hội đồng tư vấn về việc sử dụng AI và dữ liệu một cách có đạo đức; “Xã hội 5.0” của Nhật Bản vẽ nên một xã hội “tập trung vào con người” chuyển mình nhờ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Mặc dù các thành phố đổi mới nhằm mục đích tăng cường cạnh tranh với nhau nhưng việc đổi mới lại hiệu quả hơn khi các thành phố kết nối và hợp tác một cách có tổ chức.
Ví dụ như Đài Loan đã chỉ định các thành phố khác nhau thành các khu vực thử nghiệm chuyên biệt để tối đa hóa việc thử nghiệm và học tập. Chương trình Thành phố Chia sẻ của Liên minh Châu Âu đang thử nghiệm hệ thống cột đèn thông minh ở một số thành phố nhằm mục đích nhân rộng mô hình này trên khắp lục địa. Mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN có 26 thành phố Đông Nam Á hợp tác với các công ty để cải thiện tính bền vững và khả năng cạnh tranh đồng thời học hỏi lẫn nhau. Các thành phố thành công nhất không phải là những thành phố chỉ tập trung vào đổi mới nhưng lại bỏ qua các nhu cầu cần thiết khác mà là những thành phố luôn cố gắng nhìn nhận và thích nghi với những thách thức đặc thù của địa phương, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới